Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ gặp cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro 


Các thành viên trong tiểu ban Mỹ gốc Phi Châu của Quốc hội Hoa Kỳ đã tham dự cuộc hội kiến đầu tiên của các giới chức Mỹ với cựu chủ tịch Fidel Castro của Cuba kể từ khi ông này lâm bệnh vào năm 2006. Theo thông tín viên Victor Beatie của đài VOA, nữ chủ tịch tiểu ban này nói rằng Cuba muốn có quan hệ ngoại giao bình thường với Hoa Kỳ và, với một chính quyền Hoa Kỳ mới, đây chính là lúc trông đợi một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Cuba.

Bà Barbara Lee, nữ dân biểu bang California, một trong 3 nhà làm luật thuộc một phái đoàn đông hơn của Mỹ đã gặp ông Castro, nói với các ký giả tại Washington hôm qua rằng, trong cuộc họp kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, bà nhận thấy ông Fidel Castro nay đã 82 tuổi, vẫn khỏe mạnh, đầy sinh lực và còn sáng suốt.

Bà Lee nói: "Ông ta lúc nào cũng tỏ ra rất nồng nhiệt, rất sáng suốt, nói nhiều, rất năng nổ, có nhiều ý tưởng táo bạo, nhưng luôn luôn nói rằng nhân dân Cuba là bạn của nhân dân Mỹ và muốn thấy có quan hệ bình thường. Đó là điều nhất quán trong mọi cuộc tiếp xúc của tôi với ông ta. Về mặt sức khỏe thì dĩ nhiên ông đã từng đau ốm, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải đồng ý là ông ta còn khoẻ mạnh, đầy năng lực và rất sáng suốt, và ông ta tỏ ra rất nhiệt thành và vợ ông ta cũng rất thân thiện và hiếu khách. Và cũng như nhận xét của dân biểu Bobby Rush, họ sống có vẻ thanh đạm và được chứng kiến cảnh này quả là một giờ phút đáng nhớ.”

Một thành viên khác của phái đoàn là bà Laura Richardson, cũng đại diện bang California, nói rằng ông Castro biết tên của bà và biết hết chuyện gì đang diễn ra.

Bà Richardson nói: “Nhưng điều làm tôi thực sự ngạc nhiên là ông ta nghiêng mặt, nhìn thẳng vào mắt chúng tôi, tỏ ra hiểu biết mọi sự và nói với chúng tôi 'Chúng tôi có thể giúp gì? Chúng tôi có thể giúp gì cho Tổng thống Obama'.”

Cuộc gặp mặt vừa nói diễn ra một ngày sau khi phái đoàn đông hơn của Quốc hội gồm 7 thành viên dự một cuộc bàn thảo nhiều giờ với người em trai của Fidel Castro là Raul Castro nay 77 tuổi, người trở thành Chủ tịch năm ngoái sau khi ông anh lâm bệnh. Nữ Dân biểu Lee nói, những nhà làm luật không tới Cuba để thương thảo với Chính quyền cộng sản nước này, nhưng để quan sát điều gì thực sự xảy ra, nói chuyện với dân chúng, và đệ trình những tư vấn với Chính quyền Obama.

Bà Lee nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng Chính quyền Cuba, và ngay Chủ tịch Raul Castro cũng nói vậy, rằng mọi sự đã sẵn sàng nằm trên bàn hội nghị, thương thảo, đối thoại, không có điều kiện tiên quyết. Ông Raul Castro nói rằng, họ và ta có thể nói về mọi chuyện cần nói bao lâu có sự tôn trọng lẫn nhau và sự nhìn nhận chủ quyền của cả 2 nước. Và tôi cho rằng nếu chúng ta đi theo hướng đó, đặt cơ sở trên những nguyên tắc đó, chúng ta có thể thấy những sự kiện vĩ đại xảy ra.”

Theo nữ dân biểu Lee, thông điệp mà Cuba gửi tới phái đoàn rất là rõ rệt.

Bà Lee nói: “Họ đã truyền đạt tới chúng ta thiện chí của họ, ý muốn ngồi xuống và đối thoại và có thể hy vọng rằng những cuộc thương thảo sẽ đưa đến quan hệ ngoại giao bình thường.”

Vẫn theo nữ Dân biểu Lee, kết luận của phái đoàn là: căn cứ vào hướng đi mới của chính sách đối ngoại dưới Chính quyền Tổng thống Obama, đã đến lúc chúng ta nên hành động theo một hướng khác.

Được biết bà Lee đã đồng bảo trợ một dự luật bãi bỏ lệnh cấm người Mỹ thăm viếng Cuba. Một dự luật tương tự cũng đang chờ được biểu quyết tại Thượng viện.

Chính quyền Obama đã tỏ dấu cho thấy Tổng thống sắp có hành động nới lỏng những hạn chế du hành đối với Cuba, có thể là vào cuộc Họp thượng Đỉnh giữa các nước châu Mỹ tại Trinidad và Tobago. Tổng thống Barack Obama cũng đã nói ông có thể sẵn sàng nói chuyện với các lãnh tụ Cuba, nhưng vẫn duy trì cấm vận, như một thế mạnh để thúc đẩy thay đổi dân chủ và cải thiện nhân quyền tại Cuba.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG