Đường dẫn truy cập

Trung Quốc loan báo kế hoạch bảo hiểm y tế toàn dân


Chính phủ Trung Quốc hứa sẽ cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân trước năm 2020 để đáp lại sự kêu nài của công chúng đòi được gia tăng phúc lợi. Từ Hồng Kông, thông tín viên Kari Jensen của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ gởi về bài tường trình sau đây.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng họ sẽ mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho 90% dân số từ đây cho đến năm 2011, và sẽ tiếp tục công cuộc cải thiện trong suốt thập niên tiếp theo đó.

Theo Tân Hoa Xã thì chương trình này là một phần của kế hoạch kéo dài một thập niên dành sự tài trợ tốt hơn cho hệ thống chăm sóc y tế công cộng, và để 'đáp lại những chỉ trích cho rằng công chúng rất khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế vốn ngày càng trở nên quá đắt đỏ'.

Ông Joseph Cheng là một giáo sư thuộc Bộ môn Hành chính Công cộng và Xã hội tại trường Đại học Thành phố ở Hồng Kông. Ông cho rằng đây là vấn đề vừa chính trị vừa kinh tế.

Ông Cheng nói: “Cơ bản vấn đề là nếu chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục tốt hơn, thì công chúng sẽ cảm thấy an toàn hơn, và từ đó công chúng mới mạnh dạn chi tiêu, và đó chính là yếu tố giúp duy trì sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.”

Giáo sư Cheng nói rằng Bắc Kinh cần thể hiện tính hợp pháp của mình trong tư cách một chính phủ. Khi tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt đến con số hàng chục, người dân đã yên ổn hơn. Nhưng khi nền kinh tế bị đình trệ do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì theo giáo sư Cheng, chính quyền Bắc Kinh lại phải đạt được mức tăng trưởng kinh tế nhiều hơn.

Ông Cheng nói: “Chính phủ có trách vụ xây dựng mạng lưới an sinh xã hội. Tuy nhiên, công cuộc này phải có thời gian để phát triển dần.”

Trung Quốc đã bãi bỏ hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng vào thập kỷ 1980 khi nước này tiến hành các chương trình cải cách kinh tế và đi theo xu hướng tư hữu hóa. Tuy nhiên hố phân cách giàu nghèo cũng đã mở rộng kể từ đó, và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với người nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn.

Giáo sư Cheng cho biết chỉ có khoảng 20% cư dân nông thôn và khoảng một nửa cư dân thành thị có bảo hiểm y tế. Còn đa số người dân trong khối dân một tỉ 300 triệu của Trung Quốc này phải trả tiền cho các chi phí về y tế, do đó một cơn bạo bệnh có thể sẽ tiêu sạch toàn bộ mọi khoản dành dụm của gia đình.

Đa số người dân Trung Quốc cất giữ những khoản dành dụm lớn để chi tiêu cho việc giáo dục, y tế và sinh sống khi về già. Và thói quen này có nghĩa là chi tiêu trong nước vẫn tiếp tục bị giữ ở mức độ hạn chế.

Theo giáo sư Cheng thì chính phủ cần phải cung cấp một mạng lưới an sinh xã hội và y tế nếu muốn người dân chi tiêu nhiều hơn. Chính phủ Bắc Kinh cũng cần phải tài trợ cho các đối tượng cung cấp các dịch vụ cho ngành y tế, chẳng hạn như các công ty dược phẩm, các chẩn y viện và các bệnh viện.

Giáo sư Cheng nói rằng vì sự tài trợ thấp của chính phủ, các bác sĩ ở các bệnh viện do nhà nước điều hành buộc phải kiếm thêm thu nhập bằng cách kê toa và đề nghị cách điều trị bằng những loại thuốc quá đắt tiền, và đôi khi không cần thiết.

Trong 3 năm đầu, Trung Quốc dự định sẽ chi tiêu 124 tỉ đôla cho hệ thống chăm lo sức khỏe cho tất cả mọi người và cải thiện các cơ sở y tế công cộng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG