Các giới chức trong chính phủ lưu vong Tây Tạng cho biết những thông tin trong các máy điện toán của đức Đạt Lai Lạt Ma dường như cuối cùng đã lọt vào tay chính phủ Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích máy điện toán được mời tới Dharamsala ở Ấn Ðộ để điều tra về sự xâm nhập vào máy điện toán đã đưa đến việc vạch trần điều được gọi là một mạng lưới gián điệp trên mạng tinh vi tại Trung Quốc đã xâm nhập trên 100 quốc gia. Từ văn phòng Nam Á ở New Delhi, Thông tín viên đài VOA Steve Herman gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Các nhà phân tích về an ninh trên mạng cho biết những rắc rối về máy vi tính của cộng đồng lưu vong Tây Tạng chính tại Ấn Độ dẫn tới việc phát hiện một hệ thống gián điệp lớn về máy điện toán trên thế giới, rõ ràng phát xuất từ Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan hàn lâm ở nước Anh, Hoa Kỳ và Canada cho biết mạng lưới gián điệp được đặt tên là GhostNet, đã xâm nhập từ xa trên 1,000 máy điện toán của nhiều chính phủ và các đại sứ quán của họ, vào NATO và vào một số cơ quan truyền thông và tổ chức quốc tế.
Sự xâm nhập này bị phát hiện trước tiên hồi năm ngoái tại Dharamsala, một thị trấn vùng đồi núi ở phía bắc Ấn Độ, nơi sống lưu vong của nhà lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng là Đức Đạt lai Lạt Ma.
Ông Thubten Samphel, người phát ngôn của chính phủ lưu vong Tây Tạng, cho biết: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm về sự xâm nhập của virút vào hệ thống máy điện toán của chúng tôi. Chúng tôi biết được là những virút đó chuyển thông tin đi, cả những tin mật và không không mật. Và vì lượng virút này mà các máy điện toán của chúng tôi đã bị trục trặc sao đó.”
Các nhân viên điều tra nói rằng liên hệ với Trung Quốc xuất hiện khi người Tây Tạng biết được rằng một nhà ngoại giao nhận được giấy mời của văn phòng của đức Đạt Lai Lạt Ma đã được chính phủ Trung Quốc tiếp xúc và cảnh báo là không được đến gặp nhà lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng này.
Người phát ngôn của chính phủ lưu vong Tây Tang Samphel nói với đài VOA rằng không có bằng chứng là Trung Quốc điều hành mạng lưới GhostNet, nhưng bất cứ ai chịu trách nhiệm cũng đã thành công trong việc khống chế và gây thiệt hại cho hệï thống máy điện toán của văn phòng Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ông Samphel nói: "Việc lạm dụng kiến thức này là điều đáng lo ngại. Và còn mối lo khác nữa là loại sự kiện này đi ngược với các nguyên tắc.”
Các nhà điều tra Canada tại trung tâm nghiên cứu quốc tế Munk ở Toronto, cho biết GhostNet không phải chỉ truy tìm nội dung dữ liệu trên máy điện toán và đọc e-mail mà còn có thể khởi động các máy chụp hình và máy vi âm trên mạng để theo dõi các cuộc nói chuyện trong cùng một căn phòng với các máy điện toán bị xâm nhập.
Một báo cáo khác của viện đại học Cambridge đồng ý với các nhà điều tra Canada rằng gần như tất cả các vụ tấn công trên mạng lưới điện toán, bắt đầu từ cách đây 2 năm, đều bắt nguồn từ Trung Quốc.
Giới truyền thông Trung Quốc trích thuật lời các nhà phân tích phản bác các cáo buộc vừa kể, nói rằng đây là một ý đồ chính trị của phương Tây nhằm tạo ra những sự lo ngại cho rằng Trung Quốc là một đe dọa.