Một ngày trước ngày lễ do chính quyền Trung quốc ấn định để kỷ niệm 50 năm cầm quyền tại Tây Tạng, các quan chức Trung quốc nêu bật những cải thiện về mặt vật chất đối với cuộc sống của người dân thường ở Tây tạng. Từ Bắc Kinh, Thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA tường trình thêm chi tiết như sau.
Chính phủ Trung quốc bày tỏ niềm tự hào về cái gọi là ‘thành tích lật đổ hệ thống cai trị phong kiến thần quyền tại Tây Tạng’, cách đây 50 năm về trước.
Năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của nhân dân Tây Tạng, đào thoát ra khỏi quê hương của Ngài, và Bắc kinh dẹp tan một cuộc khởi nghĩa thất bại chống lại quyền cai trị của Trung quốc.
Trung quốc nói đó là lúc họ mang lại cải cách dân chủ cho Tây tạng, và do đó, mừng kỷ niệm sự kiện này trong ngày thứ Bẩy với một ngày Lễ mới được đặt tên là ‘Ngày Giải phóng Nông nô ‘
Giới lãnh đạo cao cấp trong đảng Cộng sản và một số đại diện của giai cấp nông nô cũ ở Tây tạng đã tề tựu về Đại Sảnh Đường Nhân dân ở Bắc kinh hôm thứ Sáu.
Gyaltsen Norbu, người thanh niên do Bắc kinh chọn để đóng vai trò đức Ban Thiền Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần cao cấp thứ hai theo truyền thống Phật Giáo Tây tạng ,đã ngỏ lời bằng tiếng Tây tạng, nói về sự lạc quan của ông:
Ông nói đời sống của đại đa số dân chúng đang tiến tới phú cường và văn minh, và tương lai của Tây tạng thì sáng ngời như ánh mặt trời không bao giờ tắt.
Nhân vật được Trung quốc chỉ định đóng vai Ban thiền Lạt Ma sau đó chuyển sang tiếng quan thoại, khi đề cập đến các quyền tự do sắc tộc, văn hóa và tín ngưỡng của người Tây Tạng đã được luật pháp Trung quốc bảo vệ như thế nào.
Ông Gyaltsen Norbu nói rằng chỉ dưới quyền cai trị của Trung Quốc, Tây tạng mới được hưởng tình trạng phát triển và thịnh vượng của ngày nay, và tương lai mới xán lạn như vậy.
Ông Giả Khánh Lâm, Chủ tịch Ủy Ban Hiệp Thương Chính Trị Trung quốc, bộ phận tư vấn chủ yếu của nhà nước, cam kết rằng Tây tạng sẽ tiếp tục phát triển.
Ông Giả Khánh Lâm nói Trung quốc nên nỗ lực hơn nữa để đẩy mạnh điều ông gọi là ‘bước nhảy vọt’ trong công tác phát triển Tây Tạng. Theo ông phát triển là nền tảng để giải quyết mọi vấn đề liên quan tới Tây tạng.
Quan điểm ấy cũng được nêu bật trong một băng video được lưu hành trong guồng máy nhà nước, nhan đề ‘Một lối nhìn về cuộc náo loạn tại Lhasa’, nội dung nói lên quan điểm của Bắc kinh về các vụ bạo loạn chống đối Trung quốc diễn ra tại thủ đô Tây tạng hồi năm ngoái.
Băng video này có đoạn nói, ‘Tuổi thọ trung bình của người Tây tạng hiện nay đã tăng lên tới 67 tuổi, so với chỉ có 36 tuổi trong thập niên 1960, sự kiện này rõ ràng chứng minh là điều kiện sống của người Tây tạng đã được cải thiện đáng kể.’
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung quốc, ông Tần Cương, cũng đưa ra một dĩa DVD trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Năm.
Ông Tần Cương nói ông có lưu ý đến cuộc tranh cãi về vụ liên quan tới một băng video chiếu cảnh công an Trung quốc đánh đập các tù nhân Tây tạng đã được phát tán trên Internet.
Ông bác bỏ băng video ấy, và cầm chiếc DVD do Trung quốc thực hiện, vẫy trước mắt các ký giả nước ngoài, thách thức các hãng thông tấn của họ hãy phổ biến dĩa DVD của Trung quốc trên các bản tin trên mạng.
Cuốn video chiếu cảnh công an Trung quốc ngược đãi người tù Tây tạng đã được đưa lên trang web của YouTube, trang web này sau đó bị ngăn chận, không thể được truy cập trên khắp Trung quốc.
Mặc dù Bắc Kinh vẽ ra một bức tranh đầy lạc quan về cuộc sống tại Tây tạng, thì cùng lúc, nhà nước Trung Quốc thắt chặt các biện pháp an ninh tại đây, để ngăn chận bất cứ hành động nào có thể gây bất ổn.
Một tu sĩ, mà danh tính không được tiết lộ để bảo vệ sự an toàn của ông, tỏ thái độ lo lắng.
Vị tu sĩ nói rằng các tăng sĩ lo sợ cho tình hình hiện nay, cá nhân ông cũng thế. Theo vị tu sĩ này thì tình hình đang rất căng thẳng.
Chính phủ Trung quốc nhiều lần chỉ trích các ký giả nước ngoài là đã bóp méo sự thật về tình hình Tây tạng. Nhưng cùng lúc, Bắc kinh đã gây nhiều khó khăn trở ngại khiến việc lui tới khu vực này là điều khó có thể thực hiện.
Mới đây, giới hữu trách Trung quốc còn ngăn cản nhiều phóng viên nước ngoài đến thăm các khu có người Tây Tạng cư ngụ bên ngoài lãnh thổ Tây tạng, mà theo các quy định của Trung Quốc, là những nơi được tự do lui tới.