Đường dẫn truy cập

Tìm hiểu bệnh tâm thần: Bệnh trầm cảm


Ðể tiếp nối loạt bài về sức khỏe tâm thần, hôm nay chúng tôi sẽ đề cập đến căn bệnh trầm cảm qua bài nói chuyện của bác sỹ Lê Phương Thúy, chuyên khoa về bệnh tâm thần hiện hành nghề tại San Jose, bang Callifornia.

Bác sỹ Lê Phương Thúy: Buồn là một trạng thái tâm lý mà đã là người thì không ít thì nhiều, ai cũng trải qua. Thế nhưng trong trường hợp nào thì trạng thái tâm lý buồn rầu, ủ rũ được coi là bệnh trầm cảm.

Chúng tôi phải có những tiêu chuẩn để định bệnh chứ không phải cứ thấy buồn, thấy khóc thì bảo rằng đó là bệnh trầm cảm. Sau đây là những yếu tố:

-Thứ nhất, những triệu chứng phải kéo dài trên 14 ngày. Con số 14 này rất quan trọng. Những triệu chứng là gì? Đó là mất ăn, mất ngủ,lên cân, có người khi mắc bệnh trầm cảm lại ăn nhiều, có người mắc bệnh trầm cảm thì không ăn, sụt cân, không tập trung tư tưởng được, cảm thấy buồn bã, nhiều khi có những ý tưởng muốn hủy mình, không cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, không thấy có tương lai, và những triệu chứng này phải liên tục trong suốt 14 ngày trở lên.

-Trong triệu chứng lên cân xuống cân thì con số quan trọng ở đây là 5% trọng lượng cơ thể, nếu bị mất đi hay tăng thêm 5% số cân trong vòng 14 ngày trở lên thì đó là những triệu chứng mà chúng ta phải quan tâm.

-Không tập trung tư tưởng được. Nếu đang đi học thì điểm hạng xuống.

Bác sỹ Lê Phương Thúy cho biết trên thực tế các bác sỹ tâm thần ít khi nào gặp được một bệnh nhân chỉ mới mang triệu chứng sau 14 ngày. Nếu một bệnh nhân có hiểu biết rộng và quan tâm đến sức khỏe của mình thì sớm nhất cũng phải mất 3 tháng mới chịu tìm đến bác sỹ xin chữa trị. Còn đa số chỉ chịu tìm đến bác sỹ thì đã mắc bệnh cả năm, hai năm hay hơn, như một cái hoa tàn héo dần, đến khi chính đương sự nhận ra sự sa sút của chính mình về khả năng học hỏi hay làm việc rồi thì người nhà đưa họ đi, hay chính họ mới tìm cách chữa trị.

Nguyên nhân của bệnh trầm cảm có khi là do hoàn cảnh, có khi là do thể chất của người bệnh, vậy thì làm sao phân biệt được nguyên nhân nào?

Bác sỹ Lê Phương Thúy: Thường thường là do cả hai, cho nên chúng ta không cần phân biệt, bao giờ cũng vậy, bệnh tâm trí nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng, bao giờ cũng phải do 3 yếu tố, đó là di truyền, tức là trong cơ thể của bệnh nhân đã có sẵn mầm bệnh rồi. Yếu tố thứ nhì là tâm lý, khi người đó gặp một biến chuyển trong đời sống mà họ không đối phó được, chẳng hạn như mất mát rất lớn lao, thí dụ như người chồng hay người vợ qua đời, hoặc phải đi tỵ nạn vì mất nước, và thứ ba là hoàn cảnh xã hội, bao giờ cũng phải hội đủ 3 yếu tố: cơ thể đã có sẵn mầm bệnh di truyền, tâm lý tương đối mong manh, yếu đuối, không có khả năng đối phó với những biến động của đời sống thì bệnh mới phát, cho nên chúng ta không cần phân biệt nguyên nhân.

Vì các yếu tố như vậy nên vấn đề chữa trị bệnh trầm cảm nói riêng và các chứng bệnh tâm thần nói chung đều phải nhắm tới cả ba lãnh vực. Đầu tiên là chữa trị bằng thuốc. Theo sự hiểu biết về y khoa hiện đại thì bệnh trầm cảm là do thiếu hoặc mất quân bình trong các chất Neuro Transmitters(chất dẫn truyền thần kinh) như serotonin, là chất được nói đến nhiều nhất, rồi Dopamin và Norepinephrine. Bệnh nhân dùng thuốc để kích thích bộ óc tạo ra những chất đó để đem lại sự thăng bằng giúp vui sống, lạc quan, giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ yên để có thể vượt qua hoặc nguôi ngoai đi những chuyện buồn, tập trung được tư tưởng để lo công việc, làm chủ được sự suy nghĩ của mình.

Theo bác sỹ Thúy, thuốc chữa trị rất công hiệu, nhưng cái khó ở đây là người bệnh có chịu dùng thuốc hay không, và trong rất nhiều trường hợp, bệnh nhân không chịu uống thuốc cho đủ phân lượng. Bác sỹ Thúy nhấn mạnh đến chuyện bệnh nhân cần phải theo đúng với lời chỉ dẫn của bác sỹ.

Ngoài chữa trị bằng thuốc, cần phải có chuyên gia tâm lý trị liệu làm việc với bệnh nhân để giúp bệnh nhân đối phó với những áp lực của đời sống. Lấy ví dụ, bệnh nhân gặp khó khăn trong công ăn việc làm, gặp những bực bội trong sở, hoặc bị thất tình,chuyên gia tâm lý sẽ tìm hiểu nguyên nhân nào mà người bệnh bị gặp khó khăn hay thất bại, để giúp cho bệnh nhân những khả năng đối phó hay biết cách cư xử như thế nào hầu hướng dẫn bệnh nhân đạt tới thành công trong công việc hoặc trong cách cư xử và đồng thời đối phó với căn bệnh trầm cảm.

Lãnh vực thứ ba là thay đổi hoàn cảnh.

Bác sĩ Lê Phương Thúy: Lấy ví dụ, một người đang đi làm, bị áp lực căng thẳng trong sở thì một cách trị liệu mà tôi cho rằng đơn giản nhất mà vô cùng hiệu nghiệm là nghỉ hè, để ra khỏi những áp lực trong công việc, để nghỉ ngơi, rồi về nhà thoải mái, và khi trở lại làm việc mình sẽ nhìn vấn đề một cách sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn, và sẽ đối phó tỉnh táo hơn. Có khi gặp một mất mát, như người phối ngẫu qua đời chẳng hạn, thì đấy là một chấn động rất mạnh, một sự mất mát lớn làm cho người ta buồn khổ, và nếu như trong cơ thể đã có sẵn nhân tố trầm cảm thì chắc chắn là những triệu chứng sẽ nặng hơn và phát bệnh, để so sánh với những người có thể có những mất mát như thế nhưng không mắc bệnh. Trong trường hợp đó bệnh nhân bệnh trầm cảm cần được người thân an ủi, bác sỹ tâm trí an ủi, chuyên gia tâm lý trị liệu giúp đỡ, và cuối cùng nếu gặp khó khăn trong việc thu xếp những công việc hằng ngày hoặc khó khăn về tài chính, bệnh nhân cần được người thân giúp đỡ về những lãnh vực đó. Đó là phương pháp toàn bộ để chữa trị cho một bệnh nhân, gồm thuốc men, tâm lý trị liệu và thay đổi hoàn cảnh, chứ không chỉ đơn thuần ở một lãnh vực mà thôi.

Quí vị vừa theo dõi bài nói chuyện của bác sỹ Lê Phương Thúy về bệnh trầm cảm. Trong kỳ tới, và cũng là phần cuối của loạt bài về một số các chứng bệnh tâm thần, bác sỹ Lê Phương Thúy sẽ trình bày về bệnh hưng trầm cảm, mời quí vị đón nghe.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG