Đường dẫn truy cập

Công nghiệp phá tàu của Bangladesh có thể bị nhận chìm


Các nhà bảo vệ môi trường ca ngợi một quyết định của Tòa thượng thẩm Bangladesh ra lệnh đóng cửa trong 2 tuần tất cả các xưởng tái chế biến tàu biển không được phép của các cơ quan môi trường. Các thẩm phán cũng cấm những tàu 'độc hại” vào hải phận của Bangladesh. Công nghiệp bị chỉ trích nhiều này bị cho là tuyển dụng hàng ngàn người ở Bangladesh. Từ văn phòng Nam Á của đài VOA ở New Delhi, thông tín viên Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tòa Thượng thẩm Bangladesh ra lệnh cho các hoạt động phá hủy tàu trong nước phải đình chỉ trong hai tuần lễ nếu họ không được cấp phép của các cơ quan môi trường nhà nước.

Bangladesh là một trong những nơi hàng đầu mà các tàu trên thế giới được đưa đến để phá hủy lấy phế liệu kim khí và các chất liệu khác.

Giám đốc Hiệp hội Luật sư về Môi trường của Bangladesh, cơ quan đã đệ đơn kiện vì lợi ích của công chúng, bà Rizawana Hasan gọi phán quyết này là một quyết định lịch sử.

Bà Hassan nói: “Tòa đã phán cụ thể rằng Bangladesh không thể bị coi là nơi để đổ những loại phế thải độc hại. Tòa đã thực sự tìm cách giải quyết tình trạng bất động lâu nay của các cơ quan bàn giấy trong việc điều hành các công nghiệp phá tàu theo đúng các quy ước quốc tế và luật lệ của quốc gia.”

Tòa đã có biện pháp kỷ luật các bộ chính phủ có liên hệ về việc không thực thi các luật lệ về môi trường.

Phán quyết này có ảnh hưởng đối với tất cả 36 cơ xưởng tàu biển không được chứng thực về môi trường.

Theo dự kiến, công nghiệp này ở Bangladesh sẽ kháng cáo quyết định. Trong phán quyết hôm nay, các thẩm phán cũng cấm mọi tàu bè vào hải phận Bangladesh có tên trong danh sách độc hại do tổ chức phi chính phủ Greenpeace lập ra.

Từ nhiều năm nay, các tổ chức nhân quyền và môi trường đã vận động chống lại công nghiệp tái chế biến này. Họ lập luận rằng các tàu bị phế thải thường chức những chất liệu độc hại và công nhân không được cung cấp thiết bị an toàn.

Tại Bangladesh, công nghiệp này cho biết đã trực tiếp hay gián tiếp, cung cấp nguồn sống cho 250,000 người.

Các tổ chức quốc tế nói rằng các tai nạn đưa đến tử vong hay thương tật thường xảy ra dọc theo các bờ biển Sitakunda trong Vịnh Bengal, là nơi tọa lạc công nghiệp này ở Bangladesh. Khu vực này được nhiều chuyên gia cho là trung tâm nhộn nhịp nhất của ngành tái chế biến các tàu biển.

Tổ chức phi chính phủ Platform on Shipbreaking cho biết các bờ biển ở Nam Á rất hấp dẫn cho việc phá tàu lấy phế liệu bởi vì lao động rẻ và việc thực thi lỏng lẻo hay thiếu các tiểu chuẩn an toàn.

Mỗi năm có hàng ngàn tàu biển bị phá bỏ để lấy phế liệu, chủ yếu tại Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG