Đường dẫn truy cập

Nhật Bản, Nam Triều Tiên kêu gọi miền Bắc hủy kế hoạch phóng tên lửa


Các vị đặc sứ của Nam Triều Tiên và Nhật Bản tại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đã gặp nhau ngày hôm nay tại Tokyo. Cuộc đàm phán này vẫn tiếp tục gặp bế tắc trong lúc Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa trong vài tuần nữa. Từ Tokyo, thông tín viên Jason Strother của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.

Bắc Triều Tiên cho biết họ sẽ đưa một vệ tinh viễn thông vào quĩ đạo trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 8 tháng tư. Tuy nhiên, cả Hán Thành lẫn Tokyo đều nghi ngờ rằng đây là một cuộc phóng thử nghiệm phi đạn tầm xa.

Hôm nay, đặc sứ của Nam Triều Tiên tại cuộc đàm phán 6 bên, ông Wi Sung Lak đã đến Nhật Bản để họp với người tương nhiệm là ông Akitaka Saiki. Hai giới chức này đã lên tiếng hối thúc Bắc Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch phóng thử nghiệm, và cho biết rằng họ dự trù đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nếu Bắc Triều Tiên thực hiện bất kỳ vụ phóng hỏa tiễn nào.

Tuy nhiên, theo giáo sư Narushige Michishita của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, sự hậu thuẫn quốc tế đối với nỗ lực vừa kể của Nam Triều Tiên và Nhật Bản còn tùy thuộc vào vấn đề là Bắc Triều Tiên phóng đi một vật thể như thế nào.

Ông Michishita nói: "Nếu đó là phi đạn thì rõ ràng là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Nhưng nếu đó là vệ tinh, thì các nước sẽ không tán đồng ý kiến cho rằng hành động đó vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an."

Chính phủ ở Tokyo tuyên bố họ có quyền bắn rơi bất cứ thứ gì mà Bắc Triều Tiên phóng đi, nếu vật thể đó bay vào lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, giáo sư Michishita nói rằng chưa ai biết rõ là quân đội Nhật Bản có khả năng để nghênh cản một hỏa tiễn như vậy hay không.

Bình Nhưỡng nói rằng họ sẽ xem bất kỳ nào mưu toan nào nhằm bắn rơi phi đạn của họ là một hành vi chiến tranh.

Nhiều nhà phân tích tin rằng: kế hoạch phóng thử nghiệm này, cùng với vụ bế tắc của cuộc đàm phán 6 bên, là cách thức mà Bắc Triều Tiên dùng để đòi có thêm nhượng bộ từ các nước khác.

Về phần mình, Nhật Bản đã từ chối không chịu tham gia vào chương trình viện trợ năng lượng đã được cam kết cho Bắc Triều Tiên, cho tới khi nào giải quyết xong vụ tranh chấp kéo dài nhiều thập niên về việc công dân Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc.

Giáo sư Michishita cho rằng vấn đề Tokyo làm gì hoặc không làm gì trong cuộc đàm phán sẽ không có ảnh hưởng gì nhiều, bởi vì Bắc Triều Tiên chỉ muốn chủ động giải quyết vấn đề với Hoa Kỳ.

Ông Michishita nói: "Rõ ràng là Bắc Triều Tiên đang tìm cách để đạt được tiến bộ với Hoa Kỳ trước. Nếu họ có thể tiến tới, hoặc có được tiến bộ với Hoa Kỳ, thì họ có thể nói với Nhật Bản và Nam Triều Tiên rằng các ông có muốn tụt hậu ở đàng sau hay không? Qua hành động như vậy, Bắc Triều Tiên có thể tạo ra một tình huống mà họ sẽ có được một quân bài tốt hơn để mặc cả, hoặc có được một vị thế tốt hơn trong cuộc thương lượng."

Hồi đầu tháng này, tân đặc sứ Hoa Kỳ về vấn đề Bắc Triều Tiên, ông Stephen Bosworth đã đến thăm Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Trung quốc. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã không mời ông tới thăm Bình Nhưỡng.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG