Nam Triều Tiên đang chuẩn bị cùng các nước khác gửi quân đến vùng hải phận ngoài khơi Somalia để chống mối đe dọa hải tặc tại một trong các đường hàng hải chính. Từ Hán Thành, thông tín viên Kurt Achin của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Tại một buổi lễ ở thành phố cảng Busan, Nam Triều Tiên chính thức giao cho đơn vị hải quân nhiệm vụ bảo vệ tàu bè chống lại hải tặc Somalia. Chiếc khu trục hạm 4,500 tấn mang tên là 'Munmu Vĩ đại'. Munmu là tên của một anh hùng thời cổ của Triều Tiên. Theo dự kiến, khu trục hạm sẽ lên đường đến Vịnh Aden ngoài khơi Somalia vào cuối tháng này.
Hạm trưởng Jang Seong-woo cho biết các thủy thủ của ông đã sẵn sàng hành động.
Ông Jang nói rằng đơn vị Cheonhae đã chuẩn bị sẵn sàng để hợp tác với các nước khác bảo vệ người và tàu bè.
Nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu của Nam Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào hàng hải quốc tế. Chính phủ Nam Triều Tiên cho hay mỗi năm có khoảng 500 chiếc tàu của Nam Triều Tiên đi qua Vịnh Aden.
Tình trạng nghèo khó cùng cực và thiếu một chính phủ trung ương vững mạnh của Somalia đã châm ngòi cho một sự gia tăng mạnh trong các hoạt động của hải tặc ở vùng hải phận ven duyên hải. Hơn 100 sự cố có liên quan đến hải tặc đã được báo cáo ở vịnh này riêng trong năm ngoái. Theo một số ước tính, hải tặc Somalia đã bòn rút được khoảng 150 triệu đôla tiền chuộc hồi năm ngoái.
Nam Triều Tiên đã từng đối đầu trực tiếp với hải tặc Somalia. Tháng trước, 5 thành viên trong thủy thủ đoàn thương mại Nam Triều Tiên đã được trả tự do sau khi bị bắt cóc gần 3 tháng trước đó.
Ông Hong Jeong-geun là một trong số 300 nhân viên hải quân Nam Triều Tiên phục vụ trong đơn vị Cheonghae.
Ông Hong công khai đưa ra lời hứa với cha mẹ rằng ông sẽ sớm trở lại sau khi làm cho đám hải tặc phải khiếp sợ thực sự.
Các sĩ quan quân đội Nam Triều Tiên nói rằng mặc dù sứ mạng chính của đơn vị là bảo về các tàu bè của Nam Triều Tiên, đơn vị sẽ không do dự ra tay cứu giúp tàu bè của các nước khác.
Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã phái lực lượng hải quân đến Vịnh Aden, cùng với Hoa Kỳ, Nga, Ả Rập Saudi, và nhiều quốc gia trong khối NATO. Các giới chức quốc phòng ở Nhật Bản cho biết Tokyo cũng có kế hoạch tham gia tương tự.