Đường dẫn truy cập

Dự đoán về tình hình lúa gạo của VN trong năm 2009


Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau có Thái Lan. Tuy nhiên nông dân Việt Nam, nhất là nông dân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sản phẩm mình làm ra nhiều khi không bán được cũng như giá cả đôi lúc xuống dưới giá thành sản xuất. Trong năm Kỷ Sửu 2009, liệu điệp khúc được mùa rớt giá nông sản có còn lập lại như năm 2008 không. Hà Vũ của ban Việt ngữ VOA có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề này, mới quý vị theo dõi.

VOA: Theo dự đoán của Tiến sĩ thì năm nay lúa gạo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long ra làm sao thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: “Ngành nông nghiệp của chúng tôi sẽ bố trí những đoàn đi khảo sát nhưng hiện nay chúng tôi đã tham khảo hết rồi. Mùa vụ năm nay cũng trúng muà không thua năm rồi, nghĩa là trà lúa rất tốt, sâu bệnh năm nay đặc biệt rất ít, ít hơn năm rồi rất nhiều, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá không đáng kể, rầy nâu cũng ít do đó dự đoán là năm nay trúng mùa. Còn giá cả thì theo dự kiến, giá cả sẽ không lên cao, ít ra cũng khoảng từ ba nghìn rưỡi đến bốn nghìn để đảm bảo cho người dân được khoảng lãi từ 30% trở lên. Như vậy nhưng mà giá gạo trên thị trường thế giới cũng tương đối thấp do vậy dự kiến giá lúa sẽ không đột biến mà nó chỉ từ 3500 đến 4000. Còn mùa vụ thì có lẽ trúng, năm nay đồng bằng sông Cửu Long vụ Đông Xuân có thể cũng đạt từ chín triệu cho tới mười triệu tấn.”

VOA: Nếu giá ba ngàn rưỡi, bốn ngàn như vậy thì nông dân có lợi không thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: “Nếu 3,500 hoặc 4,000 thì trong vụ Đông Xuân này, nông dân lãi cũng khoảng 50% bởi vì theo chúng tôi tính toán thì ở vùng này tổng số một hécta chi phí các khoản, vật tư năm nay cũng tương đối thấp cộng thêm nhân công các khoản thì khoảng 11 triệu. 11 triệu mà nếu được 6 tấn thì giá thành dưới 2000, mà nếu mình bán được 4000 thì lãi khoản 50%, nếu 3,500 thì lãi khoản 40%, do đó người dân có lãi. Chỉ có cái việc là nếu qua vụ Hè Thu, mà nếu đầu tư chừng đó công việc, có khi đầu tư cao hơn do bơm nước nhưng nếu năng suất có 4 tấn thôi thì 4 tấn mà chia cho 11, 12 triệu như vậy thì khoản 3000 đồng một ký thì Hè Thu lãi ít còn Đông Xuân tương đối nhiều thì người dân nhờ vào vụ Đông Xuân này.”

VOA: Thưa Tiến sĩ như vậy giá cả của lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long thì theo tình trạng xuất khẩu lúa gạo thưa Tiến sĩ mà nếu xuất khẩu lúa gạo gặp trục trặc như năm ngoái, các thương lái không thu mua hay là các công ty xuất khẩu không thu mua thì tình trạng đó có thể nào tái diễn hay không?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: “Cái này năm rồi đã rút kinh nghiệm rất sâu sắc về chuyện này. Thủ tướng có chỉ thị ngành nông nghiệp rút kinh nghiệm về vấn đề dự báo. Cái thứ hai là khi thị trường lúa gạo thế giới giá thì không cao nhưng tiêu thụ sẽ không giảm do vậy có khả năng là mình ký hợp đồng xuất khẩu được nhưng vấn đề là giá không được cao. Do vậy vấn đề giá thì nó không đột biến nhưng có một việc là nhà nước đang khuyến cáo, hỗ trợ các doanh nghiệp có tiền để làm các kho chứa, kho tồn trữ và người nông dân một số nơi, một số các hợp tác xã hoặc những nơi người ta liên doanh, liên kết với nhau người ta làm thì được hỗ trợ để làm kho. Như vậy thì một mặt cứ tới thời vụ thì bán. Thứ hai nữa là nếu bán giá còn thấp, chưa đạt, dự báo thị trường thế giới chưa được tốt thì có thể là tồn trữ được. Nếu chúng ta tồn trữ được như vậy thì bảo đảm sẽ bình ổn giá.”

VOA: Thưa Tiến sĩ thì khả năng làm kho lẫm như vậy tồn trữ bốn năm triệu tấn lúa thì khả năng thực hiện như thế nào?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: “Cái khả năng thực hiện thì…nhưng trước sau cũng phải làm, nhưng cái đó làm một lần 3 triệu tấn lúa thì khó, nhưng cái dạng làm theo lộ trình từ 3 đến 5 năm thì được. Bắt đầu từ năm nay đã có một số chuẩn bị làm kho tàng và từ 3 đến 5 năm thì sẽ ổn định được vấn đề kho tàng. Nếu ổn định được kho tàng thì mình sẽ an tâm về vấn đề tồn trữ và không nên tồn trữ gạo mà chỉ tồn trữ lúa mà thôi.”

VOA: Theo Tiến sĩ thì trong năm mới này thì tình trạng gọi là được mùa rớt giá, Tiến sĩ thấy có thể xảy ra nữa không?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: “Vì hệ thống phân phối thị trường của Việt Nam mấy năm trước có kém. Do đó chuyện này nó thường xuyên xảy ra. Còn năm nay rút kinh nghiệm năm rồi do đó các hệ thống phân phối Việt Nam cũng rút kinh nghiệm và làm cho tốt chuyện này thì tôi tin rằng cái việc được mùa rớt giá thì tôi tin chắc giá không cao thôi chứ không bị rớt. Như tôi dự kiến hồi nãy thì giá từ 3500 đến 4000, nó nằm trong giao động đó.”

VOA: Thưa Tiến sĩ, thị trường lúa gạo thì mặc dù có những quốc gia thấy rằng tình trạng lúa gạo thiếu hụt như vậy thì họ tăng cường sản xuất nhưng có một số quốc gia thì họ không thể nào sản xuất nổi, ví dụ như thị trường lúa gạo châu Phi thì mình có thể bán gạo ở châu Phi nhiều, Tiến sĩ thấy rằng mở rộng thị trường ra châu Phi mình có khả năng không?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: “Ý kiến này thì bên Việt Nam chủ trương của chúng tôi cũng đang làm. Thứ nhất là mình không cạnh tranh gạo thơm, gạo đặc sản với Thái Lan vì thị trường gạo thơm nó hiếm, ít. Do đó ở Việt Nam mình dồn lúa chất lượng cao, lúa xuất khẩu được. Như vậy thì thị trường các nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia và một số nước quanh đây như Brunei, nhưng đặc biệt là các nước châu Phi, lúa gạo Việt Nam rất dễ xuất. Nhưng mà có một việc cũng khó là do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu mà mấy ông châu Phi này thì dân thì đói, như Somalia đói dữ, đói quá, chết đói rất nhiều nhưng không có tiền mua. Do vậy là nhờ các đại gia, các tài trợ của các nước lớn mà mấy nước lớn đang bị suy thoái thì cái này khó mà ảnh hưởng, chớ mà thị trường Việt Nam loại gạo trung bình như vậy xuất sang Châu Phi thì rất là thuận lợi, thị trường không kén hàng. Nhưng mà có việc là anh mua, ảnh nghèo, ảnh không có tiền, ảnh phải nhờ qua tổ chức FAO của Liên Hiệp Quốc hay của chỗ khác. Bây giờ có một doanh nghiệp khác mua thì mới được. Đó cũng là một vấn đề khó khi xông vào thị trường châu Phi chớ lúa gạo Việt Nam vào Châu Phi rất là tốt bởi vì dân ở các vùng đó không kén gạo ngon như các nước Tây Âu.”

VOA: Thưa Tiến sĩ, những công ty xuất nhập khẩu lúa gạo có thể nào liên lạc với những tổ chức thế giới chuyên lo cứu trợ dân chúng những vùng đói kém mời chào họ thì Tiến sĩ thấy khả năng đó có thể thực hiện được không?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: “Cái đó nằm trong tầm tay mình nghĩa là mình quan hệ tốt. Các đơn vị đó cũng đã đến thăm Việt Nam nhưng mà vấn đề làm sao để có nguồn tiền mua. Không phải là có ngay được, thành ra có những lúc mình cũng chào hàng như vậy, giới thiệu, cũng có những cuộc gặp gỡ trao đổi, cũng có làm nhiều động thái giao dịch buôn bán gạo. Nhưng mà để được cái này phải có vấn đề thời gian. Thứ hai nữa là phải có tài trợ thực tế chứ nhiều khi người ta hứa hẹn mà khó đạt được thì đây cũng là cái chuyện khó. Do vậy mà ở Việt Nam vừa rồi Thủ tướng cũng có giao nhiệm vụ cho các tham tán các đại sứ quán Việt Nam tại các nước để cuối cùng tham gia tìm nguồn tiêu thụ gạo.”

VOA: Cám ơn Tiến sĩ.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG