Đường dẫn truy cập

Kinh tế gia nghi ngờ về tác dụng của kế hoạch kích thích kinh tế


Tổng thống Barack Obama đã đạt thắng lợi chính trị quan trọng đầu tiên khi được quốc hội thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 787 tỉ đô la. Dự luật này sẽ được ông ký ban hành vào tuần này.

Ban cố vấn kinh tế của ông Obama nói rằng kế hoạch này sẽ giúp tạo và giữ được chừng 4 triệu việc làm. Nhưng theo kinh tế gia trưởng của phân bộ Moody’s Economy.com thuộc tổ chức nghiên cứu độc lập về kinh tế, tài chính và doanh nghiệp Moody’s Analytics, ông Mark Zandi ước tính, thì kế hoạch kinh tế này chỉ có thể tạo được chừng 2 triệu 200 ngàn việc làm từ nay cho đến năm 2010, khiến cho tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn quanh quẩn ở mức gần 10%.

Lên tiếng trên chương trình của đài truyền hình tin tức Fox hôm chủ nhật, kinh tế gia Zandi nói rằng kế hoạch kích thích kinh tế là một ý kiến hay, tuy nhiên điều đơn giản là tầm cỡ của nó không đủ lớn để giải quyết vấn đề.

Ông Zandi nói Kế hoạch này rất có ý nghĩa nhưng ông không nghĩ là nó đã đủ. Theo ông thì nền kinh tế đang trong tình hình rất khó khăn. Những khó khăn này đòi hỏi một kế hoạch lớn hơn, và ông cho rằng sau một năm nữa thì chính phủ lại phải nói đến chuyện kích thích kinh tế nữa.

Cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc David Axelrod, xuất hiện trên đài truyền hình ABC, thừa nhận là có những khác biệt về ý kiến giữa các kinh tế gia, nhưng cho biết ông tin là những con số họ đưa ra là chính xác.

Ông Axelrod cho biết kế hoạch này sẽ có tác dụng đa dạng và cuối cùng sẽ giúp giải quyết được cuộc cuộc khủng hoảng, sẽ giúp xoay ngược tình thế, giúp phá vỡ tình trạng khó khăn hiện nay của cuộc suy thoái. Điều lý thú là vừa có một cuộc tranh luận trong tuần qua và có người thì nói là kế hoạch kinh tế phải chi ra quá nhiều tiền, có người thì lại nói là số tiền đó quá ít. Theo ông thì chính quyền tin là số tiền đó tạm đủ và cần phải tiến hành kế hoạch thật nhanh.

Ngoài vấn đề thất nghiệp, một cuộc khủng hoảng kinh tế với tầm cỡ còn lớn hơn mà chính quyền của tổng thống Obama còn phải đương đầu, với nhiều người vay tiền mua nhà mà không trả nổi nợ, đang đứng trước nguy cơ bị ngân hàng tịch biên. Và vì họ không trả nổi nợ, các ngân hàng với gánh nặng nợ xấu nên không thể hoặc không muốn đem tiền cho vay.

Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Tim Geitnert đã công bố kế hoạch 1 tỉ đô la hôm thứ ba tuần qua về việc làm thế nào để chính phủ tháo gỡ cho ngân hàng những tài sản xấu và châm tiền vốn vào cho các ngân hàng. Thị trường tài chính Wall Street đã đáp ứng không thuận lợi trước lời loan báo này, với nhiều nhà đầu tư cho rằng kế hoạch đó không đủ tính cách cụ thể để thuyết phục.

Tổng giám đốc chấp hành của công ty Google Eric Schmidt cho rằng chính phủ cần phải tìm cách giải quyết sớm tình trạng đình trệ trong thị trường cho vay và con số nhà cửa bị tịch biên, không nên để quá muộn.

Ông Schmidt nói cộng đồng doanh nghiệp muốn chính phủ có hành động ngay bây giờ. Khách hàng không cảm thấy an tâm, mọi người lo ngại không biết họ có giữ được việc làm hay không. Bằng cách nào đó chính phủ cần phải giải quyết vấn đề nhà cửa bị tịch biên, phải sửa đổi vấn đề tín dụng và phải là nhà tài trợ cuối cùng để cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng vận hành trở lại.

Đứng trên quan điểm của ông thì nếu dân không có việc làm, họ không thể mua sắm và không có tín dụng. Vì thế đây là vấn đề ưu tiên cao nhất trong nhiều tuần sắp tới, và ông hy vọng là chính phủ cũng thừa nhận như vậy để xúc tiến công việc.

Cả hai ông Schmidt và Zandi đều cho rằng nếu như chính quyền có thể hoạch định chi tiết hơn phương cách mà họ sẽ đánh giá những tài sản đang gặp rắc rối của các ngân hàng thì cacù nhà đầu tư sẽ tin tưởng hơn vào thị trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG