Đường dẫn truy cập

Phúc trình của tổ chức 'Chứng nhân Toàn cầu' về Kampuchea


Một cơ quan chuyên về điều tra tham nhũng trong việc sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho biết là một số nhỏ các viên chức nhà nước và những doanh nhân có mối liên hệ mật thiết với chính quyền ở Kampuchea dường như đã bỏ túi hàng triêu đô la từ các hợp đồng về dầu mỏ và khoáng sản. Tổ chức Chứng nhân Toàn cầu loan báo là một nhóm nhỏ những người có đặc quyền đặc lợi này đã rút rỉa nhiều triệu đô la từ khu vực dầu mỏ và các khoáng sản đang phát triển mạnh tại quốc gia nghèo khó này. Thông Tín Viên đài VOA Daniel Schearf tường trình về vấn đề này như sau.

Trong một phúc trình có tên là “Xứ sở được rao bán” tổ chức Chứng Nhân Toàn cầu loan báo là một nhóm nhỏ những người có quyền hành đã hưởng lợi từ khu vực dầu mỏ và khoáng sản đang phát triển của Kampuchea.

Tổ chức chống tham nhũng này cho biết là một nhóm nhỏ bao gồm Thủ tướng Hun Sen, các chỉ huy quân sự, doanh nhân và ngay cả ông chủ tịch Ủy ban nhân quyền, hiện đang kiểm soát việc chuyển nhượng khai thác trong lãnh vực khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt.

Một đạo luật được thông qua năm 1998 cho phép chính phủ ký những hợp đồng kín mà không phải chịu bao nhiêu trách nhiệm, qua mặt các nhà lập pháp và sự giám sát của công luận.

Bà Eleanor Nichols, một nhà vận động của tổ chức Chứng nhân Toàn cầu nói: “Chúng tôi biết chắc chắn là có hàng triệu đô la được những công ty tư nhân trao cho các viên chức chính quyền như là một loại tiền thưởng trước. Tiền này không được kê khai vào tài khoản của quốc gia. Do đó chúng tôi đặt ra câu hỏi là số tiền này đi đâu?”

Bộ Ngoại giao Kampuchea không trả lời ngay về những lời yêu cầu Bộ này đưa ra lời bình luận về phúc trình đó và điện thoại gọi đến Bộ cũng không ai trả lời.

Đại sứ quán Kampuchea tại London, nơi có trụ sở của tổ chức Chứng nhân Toàn cầu, tháng 11 năm ngoái đã đưa ra lời bình luận được đăng trên trang mạng của sứ quán là phúc trình của tổ chức Chứng nhân Toàn cầu nằm trong khuôn khổ của chiến dịch hiểm độc bôi nhọ Kampuchea .

Thông báo của Đại sứ quán Kampuchea cho rằng tổ chức Chứng nhân Toàn cầu chỉ nhằm bôi xấu hình ảnh của Kampuchea và gây phương hại cho sự phát triển kinh tế của xứ Chùa Tháp.

Lợi tức về dầu thô và khoáng sản chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngân sách nhà nước Kampuchea. Nhưng chỉ lợi tức về dầu thô không thôi cũng có triển vọng tăng lên đến hàng trăm triệu đô la trong những năm tới.

Khoảng một nửa ngân sách của Kampuchea được cung ứng bởi các nhà tài trợ nước ngoài.

Giám đốc phụ trách về những chiến dịch của tổ chức Chứng nhân Toàn cầu, ông Gavin Hayman cho biết là những nhà tài trợ này ít khi đả động vấn đề tham nhũng.

Ông Hayman nói: “Một ví dụ về việc này là chuyện luật chống tham nhũng tại Kampuchea đã được bàn thảo từ khoảng 14 năm nay rồi, và đến bây giờ cũng chưa thấy có gì xảy ra. Mỗi năm các nhà tài trợ đều yêu cầu nhà cầm quyền Kampuchea cần phải đạt được tiến bộ trong vấn đề này, và mỗi năm chính phủ Kampuchea cũng đều thất bại trong việc ban hành luật chống tham nhũng.”

Ông Hayman cho biết thêm là những nhà tài trợ mới đây đã thôi không làm áp lực đối với nhà cầm quyền Kampuchea trong việc yêu cầu họ tham gia sáng kiến về minh bạch trong công nghiệp khai thác khoáng sản. Sáng kiến này đòi hỏi phải công bố số tiền các công ty phải chi trả cũng như lợi tức chính phủ thu được từ việc khai thác dầu thô và khí đốt cũng như các khoáng sản khác.

Tổ chức Chứng nhân Toàn cầu trước đây đã được chọn để giúp theo dõi việc khai thác gỗ tại Kampuchea. Tuy nhiên sau khi công bố một bản phúc trình vào năm 2007 cáo giác các viên chức cao cấp của nhà nước đã dính líu vào những hoạt động khai thác gỗ lậu thì tổ chức này bị rút giấy phép hoạt động tại Kampuchea và tổ chức cho biết những nhân viên của tổ chức đã bị dọa giết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG