Nước Nga đang phải đối mặt với nạn lạm phát cao, tăng trưởng chậm và giảm sút 40% trong mức thu Ngân sách trong khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm lộ ra một nền kinh tế ít đa dạng của nước Nga. Các viên chức cao cấp về tài chánh Nga đưa ra một viễn cảnh kinh tế ảm đạm của đất nước này tại một buổi điều trần trước Hạ viện hôm thứ Sáu vừa qua. Thông Tín Viên Peter Fedynsky của đài VOA tường trình từ Mátcơva về vấn đề này như sau.
Các dân biểu tại Hạ viện Nga đã nghe Bộ trưởng Tài chánh và các viên chức cao cấp khác nói về chuyện giá dầu xuống thấp một cách bất thường và đột ngột đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền kinh tế của Nga như thế nào.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga, bà Elvira Nabiullina đã cho các nhà lập pháp thấy rõ là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm lộ ra một số nhược điểm của nền tài chánh Nga, trong đó có sự sụt giảm về đầu tư.
Bà Nabiulina nói: “Đầu tư là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga và 25% vốn đầu tư là của tư bản nước ngoài. 1/6 các dự án đầu tư do vốn của nhà nước.”
Dầu hỏa chiếm một mức thu lớn cho ngân sách Nga. Bà Bộ trưởng cho rằng Nga không đủ các nguồn tăng trưởng trong nước để làm dịu bớt ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Nabiullina nói: “Chính phủ đã tăng mức chi ngân sách cho những công việc cần thiết, nhưng không có đủ thời gian để loại bỏ các vấn đề về cơ sở hạ tầng, không hiện đại hóa và đa dạng hóa được kinh tế để đưa cỗ máy kinh tế vào con đường canh tân. Những việc này đang được làm và cần phải làm.”
Bộ trưởng Tài chánh ông Alexei Kudrin tuyên bố là thu nhập do xuất khẩu mang lại có thể bị sụt giảm từ 469 tỉ đô la trong năm ngoái xuống còn 269 tỉ đô la trong năm 2009 vì mức cầu của ngoại quốc sụt giảm, không những về dầu thô mà còn về kim loại và phân bón.
Do đó mức tăng trưởng của GDP coi như chỉ là con số không, so với 6% của Trung Quốc, 2% của Hoa Kỳ và 1% tại các nước châu Âu. Ông Kudrin tiên đoán là mức lạm phát của Hoa Kỳ và châu Âu sẽ ở mức số không trong khi đó tại Nga, giá cả sẽ tăng vào khoảng 13%.
Ông Kudrin nói: “Giá cả thấp hơn đi kèm với mức cầu thấp hơn là một điều tự nhiên trong một cuộc khủng hoảng, nhưng lại có một khuynh hướng trái ngược xuất hiện tại Nga do giá cả các sản phẩm nhập khẩu tăng vì sự giảm giá của đồng Rúp. Nước Nga chúng ta lệ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu, không những về hàng hóa tiêu dùng mà còn về công nghệ, bộ phận thay thế và thiết bị mà các công ty Nga phải mua.”
Đồng Rúp mất giá khoảng 20% kể từ tháng 11 năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chánh Nga cho rằng ngân sách liên bang có thể giảm khoảng 40% từ con số dự kiến là 300 tỉ đôla, xuống còn 185 tỉ đô la. Ngân sách 2009 của Nga được vạch ra trên giả thiết là dầu thô được bán với giá 95 đôla một thùng, gấp hai lần giá hiện nay. Do đó Thủ tướng Vladimir Putin đã ra lệnh duyệt lại ngân sách trên căn bản giá dầu thô 41 đô la một thùng.
Kể từ tháng 8 năm ngoái, Nga đã tiêu khoảng 200 tỉ đô la, hơn 1/3 số dự trữ ngoại tệ của mình để vực dậy nền kinh tế, chống đỡ cho ngân sách và bảo vệ đồng Rúp. Bộ trưởng Alexei Kudrin hy vọng là cuộc khủng hoảng kinh tế chấm dứt trước khi nguồn dự trữ ngoại tệ của Nga cạn kiệt.
Đọc nhiều nhất
1