Đường dẫn truy cập

Cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở miền nam Thái Lan vẫn tiếp diễn


Cuộc nổi dậy của người Hồi giáo đã kéo dài 5 năm ở các tỉnh miền nam Thái Lan không cho thấy dấu hiệu dịu bớt, mặc dù quân đội đã thành công trong việc giảm thiểu các vụ tấn công trong năm vừa qua. Theo tường thuật của thông viên Ron Corben của đài VOA, chính phủ tại Bangkok phải tranh thủ được tín nhiệm của các cộng đồng Hồi giáo thì mới đạt được thêm tiến bộ hướng tới hòa bình.

Cảnh sát Thái Lan cho hay hơn 3,500 người đã thiệt mạng trong các tỉnh vùng biên giới miền nam với khối dân đa số theo Hồi giáo kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu.

Vụ tấn công lớn đầu tiên trong cuộc nổi dậy này là vụ tấn công vào một kho của quân đội vào ngày 4 tháng giêng năm 2004.

Các phần tử nổi dậy nhắm mục tiêu vào các giới chức công cử, các giáo viên, các nhà sư Phật giáo, và giới thường dân khác. Những vụ nổ súng trong khi chạy xe xảy ra một cách thường xuyên, cùng với những vụ đặt bom bên đường và nhiều nạn nhân bị bắt hay chặt đầu.

Các tổ chức nhân quyền cũng lên án quân đội về những vụ vi phạm nhân quyền, kể cả những vụ sát hại ngoài vòng luật pháp và những vụ cố ý gây mất tích những người bị nghi là phần tử tranh đấu. Những người hoạt động cho nhân quyền nói rằng tình trạng chính phủ dựa vào các nhóm bán quân sự làm cho vấn đề gia tăng thêm.

Nhưng năm ngoái, các sách lược mới và việc tăng quân số đã giúp quân đội giảm thiểu được các vụ tấn công của phe nổi dậy nhắm vào thường dân.

Ông Sunai Pasuk, thuộc tổ chức Human Rights Watch, cảnh báo rằng tình trạng tiến bộ này có thể không kéo dài.

Ông Sunai nói: “Không có chút gì bảo đảm là thành quả ngắn hạn này có thể biến thành hòa bình lâu dài bởi vì tình trạng chia rẽ vẫn còn đó giữa chính quyền và những người sắc tộc theo Hồi giáo. Sự nghi kỵ và sợ sệt vẫn còn bao trùm. Họ không nhìn thấy chính quyền Thái là bạn, mà họ coi chính quyền Thái là kẻ thù. Cảm nghĩ này vẫn không thay đổi.”

Dân chúng Thái Lan chủ yếu theo Phật giáo, nhưng các cộng đồng Hồi giáo chiếm ngự 3 tỉnh cực nam. Họ chiếm một trong các khu vực nghèo nàn nhất nước, và người Hồi giáo lâu nay vẫn lên án chính phủ là phân biệt đối xử.

Các nguồn tin tình báo cho đài VOA hay rằng các phần tử nổi dậy, gồm một tập hợp các nhóm chưa đưa ra những yêu sách rõ rệt, có thể đang thay đổi chiến thuật. Càng ngày họ càng sử dụng các loại bom xe tinh vi.

Ông Sunai thuộc tổ chức Human Rights Watch nói rằng xu hướng này đặc biệt đáng quan ngại.

Ông Sunai nói: “Nay có rất nhiều người đánh giá là bom xe sẽ được sử dụng nhiều hơn trong năm nay. Đó sẽ là những cuộc tấn công rất cụ thể, gây số thương vong khá lớn. Đây là một xu hướng vừa nổi lên kể từ quý 4 năm 2008, và chúng tôi e rằng xu hướng đó sẽ trở thành thường trực vào năm 2009.”

Trong gần 3 năm, chính tình Thái Lan đã ở trong tình trạng bị đảo lộn. Đã có tới 5 vị thủ tướng tính từ năm 2006, có nghĩa là chính phủ phần lớn đã xao lãng việc đối phó với vụ nổi dậy. Hậu quả là quân đội phần lớn đã quyết định chính sách và đơn độc hoạch định các cuộc hành quân.

Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, người vừa lên nhậm chức tháng trước, cam kết sẽ cải thiện hệ thống tư pháp ở miền nam. Nhưng các chuyên gia nói rằng ông sẽ gặp khó khăn nếu như quân đội chống đối mục tiêu gia tăng sự kiểm soát dân sự ở trong vùng và giảm bớt việc dựa vào quân đội để duy trì hòa bình.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG