Các chuyên viên bán lẻ của Hoa Kỳ cho biết là việc mua bán hàng hóa yếu kém trong những ngày nghỉ lễ của năm 2008 sẽ khiến cho hàng vạn cửa hàng phải đóng cửa trong năm 2009. Những con số thống kê mới đây cho thấy, lượng hàng bán ra trong mùa Giáng Sinh và Tết dương lịch tại Hoa Kỳ đã sụt giảm 4% trong năm 2008, một sự sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua.
Dù đã giảm giá rất nhiều, người mua hàng tại Hoa Kỳ đã không chi tiêu nhiều trong mùa Giáng Sinh và đầu năm dương lịch, ở mức đủ để vực các cửa hàng ra khỏi tình trạng thua lỗ.
Các chuyên viên tiên đoán là sẽ có đến 40 hệ thống cửa hàng bán lẻ lớn sẽ phá sản với hơn 70.000 cửa hàng đóng cửa vào 6 tháng đầu năm 2009. Cố vấn về bán lẻ ông Howard Davidowitz cho biết là người tiêu thụ sẽ thấy thêm nhiều cửa hiệu trưng bảng “đóng cửa dẹp tiệm“
Ông Davidowitz nói: “Chúng ta sẽ thấy cảnh đóng cửa các khu thương xá, chúng ta sẽ thấy cảnh đóng cửa các hệ thống cửa hàng bán lẻ, chúng ta sẽ thấy cảnh đóng cửa các cửa hàng loại nhỏ. Tiêu chuẩn đời sống của người Mỹ sẽ không còn giống như trước nữa”
Các nhà phân tích tiên đoán là sẽ có khoảng 3.000 khu thương xá rơi vào tính trạng có thể bị đóng cửa vì các hệ thống cửa hàng bán lẻ loại lớn phải cấu trúc lại.
Trước mắt, một số hệ thống cửa hàng bán lẻ bình dân và thông dụng như Ann Taylor, Talbot và Foot Locker đã loan báo kế hoạch đóng cửa một số tiệm. Ngay cả những hệ thống lớn như Dillard, Sak và Nordstrom cũng phải thu hẹp hoạt động.
Chuyên viên phân tích Deborah Weinswig cho biết là các cửa hàng thường sống nhờ vào loại khách thích xài đồ hiệu, là những cửa hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Bà Weinswig nói: “Loại khách hàng thích mua những hàng hóa có nhãn hiệu của các nhà sản xuất nổi tiếng như Gucci, Prada, Louis Vuitton bây giờ không muốn mua sắm gì nữa.”
Trong tình trạng khách giảm bớt mua sắm, các kinh tế gia cho rằng đây là một chu kỳ xấu, sẽ đưa đến việc đóng cửa thêm nhiều cửa hàng, thêm nhiều người thất nghiệp và người tiêu thụ lại ít tiêu xài hơn.
Nhưng không phải chỉ có các khu buôn bán bị thiệt hại vì tình hình kinh tế sa sút, mà bây giờ cũng là thời kỳ khó khăn cho ngành ôtô.
Một đại lý ôtô tại bang California thình lình đóng cửa trong khi anh thợ máy Michael Kestal làm việc tại đây đang nghỉ thường kỳ. Anh thợ này cho biết là tương lai của anh không biết ra sao.
Anh Michael nói: “Tôi biết là tôi sẽ không kiếm được việc làm tương tự như công việc của tôi hiện nay. Tôi có 18 năm kinh nghiệm trong nghề và một thợ máy ôtô như tôi bây giờ rất khó kiếm việc, bởi vì ngành ôtô hiện đang xuống dốc. Tôi không còn cách nào khác hơn là đi kiếm một việc mới trong một ngành khác.”
Nhưng trong ngành buôn bán lẻ thì vụ việc không tương tự như vậy. Chuyên viên phân tích Burt Flickinger cho biết là vấn đề nằm ở chỗ nước Mỹ có quá nhiều cửa hàng bán lẻ
Ông Flickinger nói: “Các cửa hàng bán lẻ của nước Mỹ có mặt bằng nhiều gấp 2 lần số lượng mà các người mua cần đến.”
Những con số sơ khởi cho thấy hồi năm ngoái nước Mỹ có gần 150.000 cửa hàng bán lẻ đóng cửa, con số cao nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2001.
Đọc nhiều nhất
1