Đường dẫn truy cập

Phụ nữ Hồi giáo mô tả các kinh nghiệm sống theo đạo Wahhab


Bác sĩ Qanta Ahmed là một phụ nữ Hồi giáo đã hành nghề y được 2 năm ở Ả Rập Saudi. Trong một cuốn sách mới, bà kể lại các kinh nghiệm sống và làm việc theo các quy luật chính thống của tôn giáo được nhà nước bảo trợ tại vương quốc này, còn được gọi là đạo Wahhab. Cuốn sách có tựa là ‘In the Land of Invisible Women, tạm dịch nghĩa là ‘Trên miền đất của những người phụ nữ vô hình,’ mô tả một lề lối sinh hoạt theo tôn giáo rất khác với đạo Hồi mà tác giả đã thực hành khi lớn lên tại Anh. Câu chuyện Phụ nữ kỳ này thuật lại bài viết của biên tập viên đài VOA Julie Taboh nói về cuốn sách này.

Khi được mời làm việc trong ngành y tại Ả Rập Saudi, bác sĩ Qanta Ahmed nói rằng bà rất sốt sắng muốn thử xem công việc ra sao. Là một người theo Hồi giáo sinh ở Pakistan và lớn lên ở phương tây, bà hân hoan đón nhận cơ hội được tìm hiểu về đức tin của mình ở nơi khai sinh ra đạo Hồi. Nhưng điều bà không ngờ tới là cuộc sống tại vương quốc Hồi giáo này sẽ thách thức niềm tin của bà ra sao.

Bác sĩ Ahmed bắt đầu cuộc sống ở Ả Rập Saudi của mình bằng một cuộc hành hương đến thành phố linh thiêng Mecca, một cuộc hành trình gọi là Hajj mà tất cả những tín đồ Hồi giáo có khả năng đều được trông đợi sẽ thực hiện ít nhất một lần trong đời.

Theo bác sĩ Ahmed, một trong những sinh hoạt chính của Hajj là cuộc đi bộ có tính nghi thức quanh Kabah, một tòa nhà vuông phủ mầu đen nằm ngay giữa ngôi đền Al Haram. Kabah được coi là địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi.

Bác sĩ Ahmed nói: “Vào lúc tôi đi quanh Kabah, thì là lúc tôi nhận ra ngay con người vô nghĩa đến mức nào trong bậc thang tạo hóa, và ta nhận ra ngay được sự bao la của đấng tạo hóa. Nhưng đặc biệt đối với tôi, tôi nhận thức được sự đa dạng trong đạo Hồi. Và điều lạ thường là sự đa dạng đó được thể hiện năm nay qua năm khác ngay ở cái nôi của đạo Hồi, tại vương quốc Ả Rập Saudi, quốc gia không chấp nhận sự đa dạng một cách rộng rãi trong chính xã hội của họ.”

Bác sĩ Ahmed nói về hình thức chính thống của đạo Hồi, tức là quốc giáo của vương quốc này. Bà đưa ra một liên hệ gây nhiều tranh luận mà một số chuyên gia đã cãi lại, giữa đạo Wahhab như tên gọi của nó, và những phần tử thánh chiến tranh đấu Hồi giáo như thủ lãnh Osama bin Laden của al-Qaida.

Bác sĩ Ahmed nói: “Đây không phải là Hồi giáo. Đây là một sự hạ nhục đạo Hồi, một từ thật kinh khủng phải dùng. Tôi sẽ không để cho bất cứ bạn bè nào làm việc đó, nhưng sự thực là thế.”

Đọc lên một vài đoạn trong cuốn sách vừa xuất bản của bà, bác sĩ Ahmed nói với một cử tọa tuy nhỏ nhưng gồm rất nhiều thành phần ở Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia tại thủ đô Washington rằng sống dưới luật lệ của đạo Wahhab, rất khác với đạo hồi trung dung mà bà theo, đã gây nguồn cảm hứng cho bà viết về đạo này.

Bác sĩ Ahmed nói: “Tôi kinh ngạc, tôi chùn lại trước thái độ bài Do Thái một cách vô vọng trong giới học thuật đồng nghiệp của tôi.”

Trong tác phẩm 'Trên miền đất của những người phụ nữ vô hình', bác sĩ Ahmed xem xét vai trò của phụ nữ trong một xã hội Hồi giáo chính thống.

Bác sĩ Ahmed cho biết: “Người phụ nữ không thể sở hữu một cơ sở kinh doanh mà không có bề mặt là người đàn ông hay do đàn ông bảo trợ. Phụ nữ không thể đi lại mà không được phép của một người đàn ông dưới một hình thức nào đó. Phụ nữ có sở hữu các cơ sở kinh doanh đấy. Phụ nữ làm chủ 40% các doanh nghiệp ở Ả Rập Saudi. Họ nắm quyền kiểm soát một khối lượng lớn tài nguyên kinh tế ở đó, nhưng họ phải làm như vậy qua một sự canh gác của một người đàn ông để có thể giao dịch với nhà nước.”

Nhưng tình trạng thiếu tự do đối với nhiều phụ nữ Ả Rập Saudi không nhất thiết phải là một vấn đề tôn giáo, theo nhận xét của giám đốc Chương trình khảo cứu Hồi giáo Mỹ ở trường đại học Georgetown, ông Zahid Bukhari.

Ông Bukhari nói: “Cơ bản đó là một vấn đề văn hóa. Không phải là chuyện đạo Hồi. Tôi không nghĩ đó là đặc điểm của Hồi giáo. Nếu là hồi giáo, thì sự kiện phải diễn ra ở tất cả 57 quốc gia theo đạo Hồi và các tín đồ Hồi giáo sinh sống trên khắp thế giới, mà họ không có những vấn đề như thế. Đây là các vấn đề có nhiều phần chỉ áp dụng với Ả Rập Saudi mà thôi.”

Cho dù đạo Wahhab có được nhà nước bảo trợ, thì nhiều người Ả Rập Saudi cũng bắt đầu đặt vấn đề về một số giáo lý khắt khe của đạo này. Bác sĩ Ahmed cho biết bà thấy nhiều người Ả Rập Saudi không đồng ý với đạo Wahhab, và bà nói rằng nhiều phụ nữ, và đàn ông đang tìm cách đem lại những thay đổi.

Bác sĩ Ahmed nói: “Họ có khả năng toàn thành sự tiết chế và tính chất không chính thống trong một bối cảnh chính thống hợp pháp.”

Tác giả làm việc tại Hoa Kỳ này khích lệ những người Hồi giáo ôn hòa trên khắp thế giới lên tiếng chống lại các hành động thô bạo, những hành động do các phần tử thánh chiến tranh đấu nhân danh đạo Hồi.

Bác sĩ Ahmed nói: “Tôi nghĩ rằng những người Hồi giáo cần phải tự hỏi xem thái độ của họ, hoặc sự kiện họ không thể phản đối các thái độ, hoặc sự sẵn sàng bỏ qua các thái độ, phản ánh đạo Hồi ra sao.”

Bác sĩ Ahmed tỏ ý hy vọng cuốn sách của bà sẽ kêu gọi cả những người Hồi giáo cũng như những người không phải là Hồi giáo, góp phần tạo sự thông cảm tốt đẹp hơn giữa các nền văn hóa Đông Tây.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG