Đường dẫn truy cập

Việt Nam đóng cửa nhà máy Vedan 'quá trễ'


Hôm thứ Tư 24/9/2008, Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa nhà máy Vedan của Đài Loan trong tỉnh Đồng Nai vì từ 10 năm qua đã đổ tổng cộng 45,000 mét khối nước thải có chất độc xuống sông Thị Vải, coi như làm hỏng nguyên một khúc sông dài 12 kilomet.

Nhà báo Bùi Tín ở bên Pháp nói rằng nhà máy này là của Nam Hàn trong khi hãng tin DPA lại nói là của Đài Loan. Trên trang web danchimviet.com, nhà báo Bùi Tín cho biết: nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan có 100% vốn đầu tư của nước ngoài, dùng 1,800 lao động người Việt, bắt đầu xây dựng từ năm 1991, khai trương năm 1994, dùng nguyên liệu chính là sắn tươi, khoảng 1 triệu tấn/năm.

Nhà máy này tẩu tán mỗi ngày 5.000 mét khối nước thải thối bẩn chưa hề thanh lọc xuống sâu dưới đáy sông, bằng nhiều ống bơm và ống xả chồng chéo nhau, thoát khỏi mọi kiểm tra kiểm soát của phía Việt Nam từ trung ương đến địa phương.

Vẫn theo lời nhà báo này, dòng sông Thị Vải tại đó bị ô nhiễm rất nặng nề bắt đầu từ năm 1994 đến nay, nghĩa là suốt 14 năm qua; tôm cá quanh vùng đã chết sạch; cuộc sống của 20 vạn cư dân ở 2 bên dòng sông Thị Vải không thể sống nổi cho mọi người.

Quí vị có thể xem toàn bộ bài của nhà báo Bùi Tín trên trang web của danchimviet.com

Tại California, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, chuyên viên giàu kinh nghiệm về môi trường nói rằng câu chuyện của nhà máy Vedan đã được các chuyên viên người Việt ở nước ngoài cảnh báo từ lâu.

Tiến sĩ Truyết nói: “Chúng tôi đã đặt vấn đề vào năm 1997 trong một buổi hội thảo của Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam tổ chức ở Orange County, và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được báo chí Hoa Kỳ, đặc biệt là tờ Chemical Engineers nói đến trong một bài phóng sự rất dài vào năm đó để nói lên nguy cơ thảm họa ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sông Thị Vải và sẽ kéo dài xuống sông Đồng Nai."

Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết nói rằng tình trạng xuống cấp của sông Thị Vải do nhà máy Vedan gây ra là điều khó tránh khỏi và bây giờ có thể gọi là 'hết thuốc chữa'.

TS Truyết nói: “Tháng 10 năm 1997, chính Sở Khoa học và Môi trường của thành phố Saigon, tức thành phố HCM, đã ra lệnh đóng cửa nhà máy Vedan vì những vi phạm đổ nước thải thẳng vào sông Thị Vải mà không qua xử lý, nhưng sau đó nhà máy vẫn bình chân như vại và cứ tiếp tục. Dĩ nhiên là đã có chuyện gì xảy ra dưới gầm bàn để nhà máy tiếp tục hoạt động. Sau nhiều lần vi phạm, ngay năm 2002, Sở Môi trường của Biên Hòa và TPHCM đã khám phá ra là nhà máy đã vi phạm và chuyên chở một số phế thải thuộc thể rắn và thể lỏng lên tận Tây Ninh; qua bao nhiêu vi phạm liên tục đó nhà chức trách Việt Nam vẫn để nhà máy đó hoạt động, tức nhiên là trong đó có một số vấn đề bí ẩn, chắc chắn là tham nhũng hay hối lộ đã diễn ra để nhà máy tiếp tục hoạt động, mặc dù nguy cơ đã khám phá ra từ 1997, nghĩa là 11 năm sau vẫn tiếp tục để nhà máy hoạt động. Đó là lý do hôm nay chúng tôi có thể nói rằng tình trạng sông Thị Vải biến thành một con sông đen dĩ nhiên là một tình trạng phải xảy ra mà thôi.”

VOA: Đối với một nhà máy sản xuất bột ngọt giống như nhà máy Vedan, lẽ ra họ phải có một hệ thống xử lý chất thải đúng cách.

TS Truyết nói: “Mặc dù đây là một nhà máy chế bột ngọt, nhưng thật ra có một số công kỹ nghệ có liên quan sản xuất ra soude caustique, sản xuất ra acid, các hóa chất căn bản để lên men bột ngọt qua khoai mì. Các kỹ nghệ này sản xuất này đòi hỏi một hệ thống xử lý rất tinh vi vì chất phế thải lỏng rất kinh khủng, hằng ngày có thể thải ra bốn năm chục ngàn thước khối vào sông Thị Vải.”

VOA: Theo luật pháp Việt Nam, người đổ chất thải độc hại xuống sông mà không có biện pháp bảo vệ môi trường có thể bị phạt từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc lãnh mức án 10 năm tù. Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết cho rằng sự trừng phạt này quá nhẹ. Còn đối với các quốc gia có luật bảo vệ môi trường chặt chẽ thì sao?

TS Truyết nói: “Đối với các quốc gia có biện pháp cứng rắn, tình trạng này chắc chắn không thể xảy. Nếu có, nhà máy hoàn toàn bị đóng cửa, và Sở Môi trường sẽ ước tính và hồi tố lượng chất thải đã đổ ra sông ngòi và môi trường không qua xử lý, hồi tố từ 1994 là lúc nhà máy bắt đầu hoạt động, và mức phạt đó sẽ đưa nhà máy chắc chắn phá sản và chủ nhân sẽ ngồi tù dài hạn, tối thiểu 20 năm. Những người bị ảnh hưởng có thể nhận được một phần từ tiền phạt nhà máy. Nếu họ gặp vấn đề về sức khỏe dài hạn thì sẽ được cơ quan y tế chăm sóc. Đây là một trường hợp lớn chứ không phải nhỏ”

VOA: Tuy gọi là hết thuốc chữa, nhưng ban Việt ngữ cũng cố hỏi là liệu có cách nào khắc phục tình trạng xuống cấp của sông Thị Vải được hay không?

TS Truyết nói: “Quả thật câu hỏi này ngoài khả năng trả lời của chúng tôi, nhưng chúng tôi có thể lấy một ví dụ: sông Hudson của Mỹ bị ô nhiễm PCB ở một đoạn khoảng 12 miles, khoảng 20 cây số, do công ty General Electric gây ra vào năm 1970. Kinh phí để xử lý nguồn nước của đoạn sông đó tốn gần 2 tỉ đô la. Chúng tôi nghĩ Việt Nam không khả năng để làm chuyện đó.”

VOA: Nếu không có đủ năng lực để sửa chữa thì ta phải làm gì để tránh những chuyện như sông Thị Vải xảy ra trong tương lai?

TS Truyết: “Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam không phải chỉ có sông Thị Vải, không phải chỉ có nhà máy Vedan; mà có thể xảy trên khắp 64 khu chế xuất từ Bắc chí Nam. Trên nguyên tắc, hệ thống xử lý phải được đặt ra trước khi chính quyền ký giấy phép cho một nhà máy nào đó hoạt động. Đó là điều chúng tôi luôn luôn thắc mắc: cái nguyên tắc nghiên cứu tác động môi trường trước khi xây dựng một nhà máy, là một nguyên tắc căn bản, nhưng không hiểu sao Việt Nam không làm được nguyên tắc căn bản đó, mặc dù trên biên bản có ghi rõ. Đó là một điều đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ Việt Nam nên lấy kinh nghiệm ngày hôm nay để rồi đừng để xảy ra trong tương lai thì mới hy vọng câu chuyện ô nhiễm Việt Nam hết thuốc chữa có thể giải quyết trong vòng một vài thập niên tới.”




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG