Đường dẫn truy cập

Cựu du kích quân trở thành hướng dẫn viên du lịch ở Aceh


Trong khi tỉnh Aceh của Indonesia ra sức phục hồi sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng của năm 2004, một công ty mới ở đây đang thuê các cựu du kích quân để làm hướng dẫn viên du lịch. Các cựu phiến quân này đã đưa nhiều du khách đến thăm những nơi chốn mà họ từng ẩn náu trong rừng rậm để tiến hành cuộc chiến đòi độc lập cho phần đất ở cực bắc đảo Sumatra. Thông tín viên Chad Bouchard của đài VOA đã tham gia một chuyến đi như vậy và có bài tường thuật chi tiết do Duy trình bày sau đây.

Với cây mã tấu trong tay, anh Yuni vừa đi một cách thong thả vừa vung dao phát quang những bụi cây trên một con đường mòn lầy lội trong khu rừng rậm hiếm người lui tới trên đảo Sumatra. Quảng đường này là nơi mà anh từng phải chạy trối chết vì bị binh sĩ chính phủ bắn đuổi.

Ba năm sau khi cuộc xung đột đòi ly khai ở Aceh kết thúc, người chiến binh của phong trào nổi dậy đòi độc lập GAM này đã kể lại một trận đánh ác liệt ở đây cho một nhóm các du khách tò mò.

Anh Yuni nói: "Chỗ này là nơi tôi đã gặp phải hỏa lực mạnh mẽ của địch quân. Chúng tôi không thể nào ngóc đầu lên được trong nhiều tiếng đồng hồ, từ tảng sáng cho tới chiều tối. Đó là trận đánh dài nhất mà tôi từng tham dự.'

Anh Yuni và người anh tên Don của anh thuộc về thế hệ chót của những người ở tỉnh Aceh tham gia một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài cả ba mươi năm, khi người dân Aceh nổi dậy đòi thoát khỏi Indonesia để độc lập.

Những kỹ năng mưu sinh trong rừng rậm và tài leo núi từng giúp cho anh Yuni và các chiến hữu của anh chống cự với quân đội Indonesia giờ đây đã trở thành những vốn liếng quí báu để giúp họ trở thành những hướng dẫn viên du lịch xuất sắc trong khu rừng nhiệt đới này. Khách hàng của họ phần lớn là những nhân viên cứu trợ người nước ngoài đang cư ngụ ở Banda Aceh, thủ phủ của tỉnh Aceh. Những người này đã trả tiền để được hướng dẫn đi thăm khu rừng rậm mà cách nay không lâu giới hữu trách vẫn ngăn cấm không cho người ngoài lui tới vì là nơi có xung đột.

Tháng 12 năm 2004, một trận sóng thần đã tàn phá dữ dội trong vùng ven biển ở gần đó và đã làm thay đổi mọi thứ.

Vài tháng sau thiên tai kinh hoàng này, chính phủ và phe nổi dậy đã ký kết một hòa ước để dồn mọi nỗ lực cho công tác cứu hộ, cứu trợ và xây dựng lại cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, diễn tiến này cũng khiến cho hàng ngàn các cựu du kích quân phải lâm vào tình cảnh thất nghiệp vì họ không có nhiều kỹ năng để có thể mưu sinh trong thời bình.

Nền kinh tế địa phương đã nhận được hàng trăm triệu đô la viện trợ cho công tác tái thiết, nhưng vì ngân khoản viện trợ đã bị cạn kiệt dần cho nên công ăn việc làm mỗi lúc một khó tìm hơn.

Vì vậy cho nên, anh Don, anh của anh Yuni, cảm thấy may mắn khi được nhận làm hướng dẫn viên du lịch.

Anh Don nói: "Vào lúc này rất khó mà tìm ra được một việc làm ở Aceh. Tôi rất hãnh diện được làm hướng dẫn viên du lịch. Tôi chỉ cần đưa du khách lên núi và thù lao mà tôi nhận được lại rất khả quan."

Ông Medel Pols, người Hà Lan, là người đã lập ra công ty du lịch lấy tên là Tua Khám Phá Aceh. Ông cho biết đã gặp nhiều khó khăn trong lúc gây vốn lập công ty, và vì lịch sử đẫm máu của cuộc xung đột này mà các tổ chức cứu trợ quốc tế không mấy hăng hái trong việc giúp đỡ cho các cựu du kích quân.

Ông Pols thuật lại như sau: "Họ chỉ cười và nói rằng đó là một ý tưởng điên rồ. Một số tổ chức phi chính phủ thì xem những người từng tham gia phong trào GAM là những kẻ sát nhân. Và vì phần lớn những hướng dẫn viên của tôi là cựu phiến quân của GAM nên họ không nhận được trợ giúp nào."

Tuy nhiên, ông Pols cũng cho biết công việc làm ăn của công ty vẫn tiến triển khả quan và giờ đây có hơn 20 hướng dẫn viên đưa du khách đi thăm các khu rừng trong những chuyến phiêu lưu gần 2 tuần lễ:

Ông Pols nói: "Tôi biết là trong cuộc xung đột đó tất cả những hướng dẫn viên GAM của tôi đã làm những việc mà chúng ta tuyệt đối không thể chấp nhận. Tôi biết chắc là họ từng giết người, từng nổ súng bắn vào binh sĩ chính phủ. Tôi biết chắc là một số người trong đó đã hăm dọa dân chúng, và có thể họ đã từng trộm cắp tiền bạc hoặc lương thực. Nhưng chúng ta phải bắt đầu ở một chỗ nào đó để làm lại từ đầu."

Trong chuyến du hành này, các du khách đã tới một hang động mà những phần tử nổi dậy từng làm nơi trú ẩn. Nhiều thứ nồi niêu xong chảo và chai đựng nước vương vãi ở xung quanh. Và cách đó không xa, một chiếc giày đinh của binh sĩ chính phủ Indonesia nhắc cho mọi người nhớ lại tình hình bạo động lúc trước.

Một nữ du khách người Na Uy, cô Helena Tideman cho biết cảm tưởng như sau: "Thật mà khó tưởng tượng về những gì mà những người này đã phải trải qua. Được đi chung với những người hướng dẫn này và được nghe họ kể lại những câu chuyện quả là một việc buồn vui lẫn lộn. Đối với tôi thì đây là một chuyến đi có tính chất phiêu lưu thích thú nhưng đồng thời nó cũng khiến tôi nghĩ tới một giai đoạn lịch sử thật là tàn khốc."

Anh Yuni cho biết khi trở lại những chiến trường cũ anh nhớ tới những bạn bè đã mất.

Anh Yuni nói: "Đôi khi tôi nhớ lại những gì mà chúng tôi đã trải qua ở những chiến khu trong rừng, nhớ lại những lúc đói khát và sợ hãi. Đây là những chuyện mà lắm lúc tôi cảm thấy khó lòng kể lại với người khác, ngay cả với người vợ của tôi."

Khi được hỏi là anh có thấy e ngại hay không khi cho du khách biết được những nơi ẩn núp của mình, anh Yuni ngó sang người anh ở bên cạnh và mở một nụ cười ngượng ngập. Anh nói rằng anh vẫn còn rất nhiều chỗ trú ẩn khác ở sâu trong rừng, để phòng hờ khi nào mà anh và các bạn anh còn cần tới trong tương lai!

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG