Đường dẫn truy cập

Máy LHC giúp vén bức màn bí mật về vũ trụ


Chiếc máy gia tốc hạt nhân mang tên là Large Hadron Collider, đã được khởi động. Các vật lý gia thuộc Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu, còn gọi tắt là CERN, tại Geneve đã thành công trong việc bơm chùm tia hạt đầu tiên vào chiếc máy khổng lồ trị giá nhiều tỷ đôla này. Các nhà khoa học tin rằng chiếc máy này sẽ vén nhiều bức màn bí mật về vũ trụ, theo ghi nhận của thông tín viên đài VOA Lisa Schlein trong bài tường thuật từ Geneve.

Những người chứng kiến kinh ngạc trước màn hình khổng lồ đã nhìn ngắm các nhà vật lý học cắm cúi trên những máy điện toán tại trung tâm kiểm soát CERN bơm chùm tia proton đầu tiên vào chiếc máy Large Hadron Collider, tức LHC.

Lần thử đầu tiên để khởi động LHC thất bại. Vì thế, lần thử thứ nhì thành công được hoan nghênh với một sự nhẹ nhõm và thậm chí cực kỳ hân hoan thấy rõ của nhiều nhà vật lý học đã dồn hết công lao hơn 2 thập kỷ để thực hiện cuộc thử nghiệm trị giá 10 tỷ đôla này.

Chùm phân tử nay đang di chuyển quanh đường hầm dưới đất dài 27 kilomet, nằm giữa biên giới Pháp và Thụy Sĩ gần Geneve. Sẽ phải mất vài tháng để LHC đạt được tốc độ. Các proton được gia tốc sẽ di chuyển với tốc độ gần tốc độ của ánh sáng.

Vật lý gia lý thuyết John Ellis nói với đài VOA rằng những va chạm tạo ra sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu được điều gì đã xảy ra khi vũ trụ được hình thành cách đây 13,7 tỷ năm.

Ông Ellis nói: “Chúng ta sẽ tạo ra những vụ va chạm riêng rẽ. Những va chạm xảy ra trong vụ trụ vào lúc mới ra đời khoảng một phần tỷ giây đồng hồ. Nay, điều rõ ràng là chúng ta sẽ tái tạo trong phòng thí nghiệm các mảnh của vũ trụ. Đây chỉ là những va chạm rời rạc, giống như những gì đã xảy ra khi vũ trụ còn cực kỳ non trẻ.”

Người đứng đầu dự án LHC, ông Lyn Evans gọi LHC là một cái máy của sự khám phá. Ông cho biết các nhà vật lý học tin rằng họ sẽ tìm ra một hạt cơ bản rất khó xác định, gọi là Higgs Boson, có thể giải thích lý do vì sao các hạt khác có khối lượng. Và ngay cả nếu như không tìm ra được Higgs, thì ông Evans cho rằng nỗ lực cũng không phải là vô ích.

Ông Evans nói: “Sự theo đuổi kiến thức của con người không bao giờ là phí phạm. Nếu không tìm ra Higgs, có nhiều lý thuyết ra nói rằng điều lý thú nhất là nếu không có Higgs. Tình huống tệ hại nhất cho chiếc máy này là ta chỉ tìm ra Higgs mà không thấy gì khác. Nếu có Higgs ở đó, thì ta sẽ tìm ra. Nếu không thấy Higgs, thì ta sẽ phải tìm ra tại sao lại không có Higgs ở đó, và cái gì thay thế nó.”

Các nhà vật lý học cho rằng LHC tuyệt đối an toàn. Họ nói rằng bằng chứng là nhiều tia vũ trụ đã dội vào quả đất, châm ngòi cho những vụ va chạm tương tự như những va chạm của máy LHC, bởi lẽ thái dương hệ đã hình thành cách đây hơn 4 tỷ năm.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG