Đường dẫn truy cập

Sudan bác bỏ cáo giác nhận trợ giúp quân sự từ Iran


Các giới chức thân cận với Tổng thống Omar al-Bashir của Sudan bác bỏ cáo giác cho rằng Iran đang huấn luyện và cung cấp những sự trợ giúp về quân sự cho các lực lượng Sudan ở Darfur. Trước đó, một tờ báo ở London có tên là Africa Confidential tố cáo rằng chính phủ ở Khartoum đã sử dụng các trang thiết bị quân sự do Iran chế tạo để thực hiện những vụ tấn công ở Darfur. Iran, cùng với Trung Quốc và Nga, là 3 nước mà nhiều người tin là không tuân hành một lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc, theo đó không ai được đưa vũ khí tới Darfur mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an. Từ trung tâm tin tức Đông Phi của đài VOA ở Nairobi, thông tín viên Alisha Ryu gởi về bài tường thuật chi tiết sau đây.

Tờ Africa Confidential cho biết chiếc máy bay không người lái bị một nhóm phiến quân Darfur bắn rơi hôm 28 tháng 8 là máy bay do Iran chế tạo và đã vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc khi hoạt động ở vùng Darfur.

Ông Patrick Smith, biên tập viên của Africa Confidential cho đài VOA biết rằng các phiến quân thuộc Phong trào Đoàn kết Giải phóng Sudan đã tìm được xác của chiếc máy bay và giúp cho các chuyên gia Tây phương xác định xuất xứ của nó. Ông Smith nói thêm rằng chiếc máy bay có khả năng mang theo một quả bom nặng 45 kilo có thể được điều khiển từ xa bởi các chuyên viên người Iran ở Sudan.

Ông Smith nói: "Các lực lượng phiến loạn Sudan đã tìm được những bộ phận của chiếc máy bay và họ đã nói chuyện với một số chính phủ về việc này vì đây là bằng chứng cho thấy Iran vi phạm lệnh chế tài. Chúng tôi biết chắc 100% là như vậy. Việc Iran huấn luyện cho quân đội Sudan là một bí mật mà ai cũng biết. Đây là một điều không có gì để tranh cãi nữa."

Tháng trước, chính phủ ở Khartoum thừa nhận là họ đã bị mất một chiếc máy bay không người lái ở Darfur. Tuy nhiên, các giới chức ở đây nói rằng chiếc máy bay đó được chế tạo ở Sudan và đã bị rơi trong lúc đang phun thuốc trừ sâu để bảo vệ mùa màng.

Thứ trưởng ngoại giao Sudan, ông Mutruf Sadiq nói rằng ông không hay biết gì về việc các máy bay không người lái do Iran chế tạo hoạt động ở Darfur. Nhưng ông phủ nhận cáo giác cho rằng Iran đang huấn luyện cho các lực lượng Sudan và cung cấp những sự trợ giúp khác về quân sự:

Ông Sadiq nói: "Không, không, không. Không hề có bất cứ chuyên gia quân sự nào của Iran ở Sudan. Cáo giác đó hoàn toàn vô căn cứ."

Tuy nhiên, một giới chức thuộc phe Nam Sudan trong chính phủ đoàn kết ở Khartoum, ông Shrino Hitang, cho biết rằng ông tin là Iran và Nga nằm trong danh sách những đối tác hợp tác quân sự quan trọng nhất của chính phủ Sudan do người Ả rập khống chế.

Ông Hitang nói: "Iran và Nga là những nước đang cung cấp trang thiết bị quân sự cho Khartoum."

Tháng giêng và tháng 3 năm 2007, Khartoum và Tehran đã ký kết các hiệp định để tăng cường công cuộc hợp tác quân sự.

Năm ngoái, Hội Ân xá Quốc tế tố cáo rằng: tuy đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cấm vận của Liên hiệp quốc hồi năm 2005, nhưng Nga và Trung Quốc lại vi phạm nghị quyết này qua việc cung ứng cho Sudan các loại máy bay trực thăng và oanh tạc cơ, cùng với các loại quân xa và vũ khí để tấn công thường dân ở Darfur.

Hôm thứ bảy và chủ nhật vừa qua, các nhóm phiến quân ở miền bắc và miền tây Darfur cho biết các lực lượng chính phủ đã dùng các máy bay đó để tấn công các vị trí của phiến quân. Nguồn tin vừa kể chưa được xác nhận nhưng phe nổi dậy nói rằng những vụ tấn công đó đã gây ra thương vong và khiến cho hàng ngàn người phải tản cư.

Hơn 300,000 người đã thiệt mạng và hơn 2 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi vụ xung đột ở Darfur bùng ra vào năm 2003. Mới đây Tòa án Hình sự Quốc tế đã quyết định khởi tố Tổng thống Omar al-Bashir về tội diệt chủng và những tội ác khác mà các lực lượng của chính phủ Sudan và các nhóm dân quân người Arab được chính phủ hậu thuẫn đã gây ra ở Darfur.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG