Đường dẫn truy cập

Căng thẳng chính trị tác động tới nền kinh tế Thái Lan


Mối căng thẳng ngày càng tăng ở Thái Lan đã tác động mạnh tới nền kinh tế, khiến cho thị trường chứng khoán và công nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng. Theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben của đài VOA gởi về từ Bangkok, các tổ chức công nghiệp đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Samak Sundaravej thu hồi lệnh khẩn cấp để tránh cho nền kinh tế khỏi bị tổn hại thêm nữa.

Phòng Thương mại Thái Lan và Hội đồng Thương mại tuyên bố rằng lệnh khẩn cấp áp dụng từ đầu tuần này đã gởi đi một tín hiệu sai lạc cho cộng đồng doanh thương quốc tế.

Thủ tướng Samak Sundaravej ban hành lệnh khẩn cấp sau khi những người biểu tình của hai phe chống và thân chính phủ đụng độ với nhau hôm thứ ba, gây tử vong cho một người và làm nhiều người khác bị thương. Hôm nay, ông Samak nói rằng ông đang xem xét tới việc thu hồi lệnh khẩn cấp trong nay mai.

Một số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã yêu cầu ông Samak từ chức như đòi hỏi của những người biểu tình. Tuy nhiên, ông Samak tuyên bố trong ngày hôm qua rằng ông sẽ tiếp tục ở lại chức vụ vì điều mà ông gọi là 'bảo vệ nền dân chủ'.

Ông Sompop Manarangsan, giáo sư kinh tế học của Đại học Chulalongkorn nói rằng triển vọng kinh tế hiện nay khá u ám, đặc biệt là trong lúc công cuộc xuất khẩu của Thái Lan bị thiệt hại vì tình trạng xuống giốc của kinh tế toàn cầu.

Ông Sompop nói: "Tôi nghĩ rằng tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vì Thái Lan hiện nay chẳng những phải đương đầu với những vấn đề nội bộ mà còn phải ứng phó với những thách thức của xu thế suy thoái của nền kinh tế toàn cầu."

Liên minh Dân chủ Nhân dân đã bắt đầu thực hiện những vụ xuống đường biểu tình trong vài tháng qua để phản đối các kế hoạch tu chính hiến pháp của chính phủ. Hàng ngàn người ủng hộ liên minh này tiếp tục cắm trại bên trong khuôn viên của khu trụ sở chính của chính phủ ở Bangkok.

Các giới chức của Sở Chứng khoán Thái Lan cho biết sự bất ổn chính trị đã khiến cho thị trường chứng khoán ở đây thiệt hại 45 tỉ đô la trong năm nay. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tống hơn 3 tỉ đô la cổ phiếu.

Công nghiệp du lịch cũng đang gặp khó khăn trong lúc một số quốc gia cảnh báo công dân nước họ tránh đến Thái Lan vì e rằng bạo động sẽ xảy ra thêm. Các hoạt động du lịch chiếm tới 6% tổng sản lượng nội địa của Thái Lan và doanh thu trong năm 2008 dự kiến lên tới hơn 17 tỉ đô la.

Các giới chức du lịch cho hay: số khách đến phi trường quốc tế Bangkok đã giảm 30% trong vài ngày qua, khiến doanh thu của ngành này bị giảm đi 11 triệu đô la mỗi ngày.

Ông John Koldowski, một phát ngôn viên của Hiệp hội Lữ hành Á châu Thái bình dương cho biết một phần của vấn đề là những vụ biểu tình đã khiến cho các phi trường bị đóng cửa và nhiều chuyến bay bị hủy bỏ. Ông nói thêm như sau.

Ông Koldowski nói: "Những vụ đóng cửa phi trường sẽ tạo sự bất mãn cho những người bị tác động trực tiếp. Và vì thế giới chúng ta hiện nay nối kết với nhau vô cùng chặt chẽ cho nên điều này đã lan truyền trên khắp thế giới một cách nhanh chóng. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra một ấn tượng tiêu cực."

Ông Anusorn Buranakanonda giữc chức giám đốc của một công ty đầu tư có tên là Công ty Quản lý Tài sản BT. Ông nói rằng các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm sẽ xem sự bất ổn chính trị như một cuộc trắc nghiệm về khả năng của Thái Lan trong việc khắc phục các vấn đề ngắn hạn.

Ông Anusorn nói: "Đây không phải là lần đầu tiên mà xã hội Thái Lan gặp phải những vấn đề chính trị trong vài năm nay. Xã hội này đã xoay sở để vượt qua những khó khăn đó, bỏ các vấn đề ở sau lưng để tiến tới. Tôi hy vọng rằng vụ khủng hoảng này cũng sẽ được khắc phục như vậy."

Kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng với tỉ lệ 5,7% trong nửa đầu của năm nay, mặc dầu tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu bị chậm lại đáng kể.

Ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết các mối căng thẳng chính trị sẽ khiến cho tỉ lệ tăng trưởng của 6 tháng cuối năm nay bị sút giảm, nhưng họ cũng nói thêm rằng sự thiệt hại này chỉ có tính chất ngắn hạn.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG