Đường dẫn truy cập

Di sản của Olympic Bắc Kinh


Sau 7 năm chuẩn bị với kinh phí hơn 40 tỉ đô la, Olympic Bắc Kinh đã khai mạc và kết thúc trong sự tán thưởng và thán phục của nhiều người trên thế giới. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng: đại hội thể thao được xem là bữa tiệc ra mắt của Trung Quốc hiện đại tuy không mang lại những thành quả lớn về mặt tự do hóa chính trị, nhưng diễn tiến này sẽ có những ảnh hưởng tích cực về lâu về dài đối với xã hội Trung Quốc. Mời quí thính giả nghe Duy Ái trình bày thêm một số chi tiết sau đây về di sản của Olympic Bắc Kinh, dựa theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Scott Bobb.

Hôm 25 tháng 8, một ngày sau khi Olympic Bắc Kinh bế mạc, tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc đã tổng kết 16 ngày tranh tài với nhận định cho rằng đại hội thể thao này là cơ hội để Trung Quốc phô diễn một cách từ tốn với mọi người trên thế giới về một nước Trung Quốc cởi mở hơn và tự tin hơn sau 30 năm 'cải cách khai phóng' hay 'đổi mới'. Bài bình luận nói rằng trong hơn hai tuần qua Trung Quốc đã đứng trước thế giới như một cường quốc vĩ đại với sự cởi mở và tự tin chưa từng có.

Tuy có một số người không đồng ý về khía cạnh "cởi mở hơn" của nhận định vừa kể, nhưng hầu hết đều tán đồng ý kiến cho rằng Trung Quốc đã tự tin hơn sau khi tổ chức thành công Olympic với những lễ hội hoành tráng và ngoạn mục - 'có một không hai'. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng đại hội thể thao được xem là bữa tiệc ra mắt của Trung Quốc hiện đại tuy không mang lại những thành quả lớn về mặt tự do hóa chính trị, như trường hợp từng xảy ra ở Nam Triều Tiên, nhưng diễn tiến này sẽ có những ảnh hưởng tích cực về lâu về dài đối với xã hội Trung Quốc.

Người đứng đầu phái bộ Liên hiệp quốc ở Trung Quốc, ông Khalid Malik cho rằng việc đăng cai Olympic là một thành tựu quan trọng đối với các nhà lãnh đạo của một nước thuộc thế giới đang phát triển như Trung Quốc.

Ông Malik nói: "Họ đã tìm được cách để tập trung nỗ lực vào những hạng mục lớn. Mọi cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh đã được nâng cấp, những tuyến đường xe buýt mới, những tuyến xe điện ngầm, và toàn bộ diện mạo của cả thành phố đã thay đổi. Tôi nghĩ rằng những điều này là một di sản lâu dài trong tương lai."

Nhiều người cũng tán đồng ý kiến cho rằng Olympic đã mang lại nhiều sự thay đổi cho Trung Quốc. Sau khi áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục nạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bầu trời ở Bắc Kinh đã sạch hơn và phẩm chất không khí đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm. Tiến bộ này, theo giáo sư Thạch Ánh Hồng của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, chính là di sản lớn nhất của Olympic Bắc Kinh.

Giáo sư Ánh Hồng nói: "Tôi nghĩ rằng Olympic là Olympic. Có rất nhiều thứ không vì Olympic mà thay đổi. Đối với sự quật khởi của Trung Quốc, đối với sự tự tin của Trung Quốc, dư luận thế giới đã khẳng định từ năm 2002, 2003 rồi, không cần phải đợi tới Olympic. Di sản lớn nhất của Olympic không phải là quyền tự do cá nhân được cải thiện, mà là sự nhận thức của người dân và chính phủ về tầm quan trọng của một bầu trời trong sạch và một hệ thống giao thông tiện lợi."

Đối với một số người, mối hy vọng là Olympic sẽ giúp nới lỏng sự khống chế nghiêm nhặt của chính phủ đối với các sinh hoạt xã hội đã không trở thành hiện thực. Nữ phát ngôn viên đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, bà Susan Stevenson đã phát biểu như sau trong lúc yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho những công dân Mỹ bị bắt giam vì thực hiện những cuộc biểu tình ủng hộ Tây Tạng.

Bà Stevenson nói: "Chúng tôi thất vọng về việc Trung Quốc đã không nhân dịp Olympic để chứng tỏ một thái độ khoan hoà và cởi mở hơn."

Nhiều tổ chức tranh đấu cho nhân quyền cũng tố cáo rằng tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên tệ hại hơn, và sự đàn áp nhắm vào các nhân vật bất đồng chính kiến và các sắc dân thiểu số cũng trở nên dữ dội hơn trong thời gian trước khi diễn ra Olympic.

Ông David Wellechinsky, tác giả nhiều cuốn sách tham khảo về Olympic, cho biết rằng ông không hề dự kiến là Olympic sẽ làm cho Trung Quốc thay đổi.

Ông Wallechinski nói: "Đây là một chế độ độc tài Cộng Sản với một đảng duy nhất. Thêm vào đó, kinh tế của họ không cần sự trợ giúp nào. Họ không cần phải mở cửa với thế giới về kinh tế. Họ đã đạt được mục tiêu rồi! Vì vậy cho nên từ trước tới nay tôi không hề tán đồng lập luận cho rằng Olympic sẽ là một bữa tiệc cầu thân của Trung Quốc."

Trong khi đó, một số nhà phân tích, như ông Jaime Metzl, phó Chủ tịch Hội Á châu ở Mỹ, cho rằng việc tổ chức Olympic giúp cho chính phủ ở Bắc Kinh tăng cường uy tín trên trường quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trong nước.

Ông Metzl nói: "Tính hợp pháp của chính phủ này phát xuất từ chỗ họ có khả năng mang lại một số thành quả, bất kể đó là mang lại tăng trưởng kinh tế hay là mang lại biểu tượng của các lễ hội trong dịp Olympic, cái biểu tượng cho mọi người thấy rằng Trung Quốc có thể làm được một việc chẳng những thuộc tầm cỡ thế giới mà còn vượt xa tầm cỡ thế giới.

Giáo sư Victor Cha, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu của Đại học Georgetown ở Washington, cũng cho rằng Olympic Bắc Kinh sẽ có những tác động tích cực đối với Trung Quốc về lâu về dài.

Giáo sư Cha nói: "Điều mà Olympic làm là buộc giới lãnh đạo phải thực hiện những thay đổi nhỏ, những thay đổi không phù hợp với bản sắc của họ. Và những bước tiến nhỏ này rốt cuộc sẽ có những tác động cộng hưởng đáng kể."

Trong khi đó, một số các nhà đầu tư đã bắt đầu lo ngại về triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc thời hậu Olympic. Theo tường thuật hôm 25 tháng 8 của tờ Kinh tế Thời báo ở Đài Loan, các đại công ty chứng khoán quốc tế, như Công ty Morgan Stanley, cho rằng kinh tế Trung Quốc hậu Olympic rất có thể sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn, thường được gọi là 'lời nguyền rủa Olympic'.

Các chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng phát xuất từ những công trình xây dựng Olympic sẽ giảm đi sau Olympic là điều thường thấy ở các quốc gia đăng cai Olympic. Nhưng trong trường hợp Trung Quốc tình trạng này còn tệ hại hơn nhiều vì giới lãnh đạo ở đây chú tâm quá độ tới việc phô trương quốc lực mà không tính toán tới hiệu quả kinh tế. Thêm vào đó, sự sút giảm của các khoản đầu tư lại xảy ra trong khi tình hình kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa, cho nên những khó khăn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Trọng Đại Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Đại Quân ở Bắc Kinh, đó là một dự đoán sai lạc vì đã thổi phồng quá đáng tỉ trọng giữa các khoản đầu tư Olympic và kinh tế Trung Quốc.

Ông Trọng nói: "Tổ chức Olympic dĩ nhiên sẽ giúp kinh tế phát triển nhanh trong vài năm. Khi Olympic kết thúc thì mức cầu tương đối sẽ giảm đi và tình huống nguội lạnh sẽ xảy ra. Tuy nhiên, sự giảm nhiệt này đối với nền kinh tế có qui mô lớn như Trung Quốc chỉ là một làn sóng rất nhỏ, không ảnh hưởng gì tới sự vận hành của cả nền kinh tế."

Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới, ông Lâm Nghị Phu, cũng có nhận xét tương tự.

Theo bản tin hôm 26 tháng 8 của Xinhuanet, Lâm Nghị Phu cho rằng lời nguyền rủa Olympic sẽ không ứng nghiệm ở Trung Quốc vì hai lý do: Thứ nhất là qui mô của kinh tế Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với phần lớn các nước tổ chức Olympic trước đây, cho nên các khoản đầu tư Olympic đối với Trung Quốc tương đối không nhiều; và thứ hai là sau Olympic Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải còn tổ chức Hội Chợ Thế Giới vào năm 2010, rồi hai năm sau đó, Thành phố Quảng Châu cũng lại tổ chức Á Vận Hội, cho nên Trung Quốc vẫn còn đầu tư rất nhiều vào các loại tài sản cố định.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG