Đặc sứ Liên hiệp quốc đặc trách Miến Điện bị chỉ trích về sự thất bại của ông trong việc hối thúc chính phủ tiến tới cải cách trong chuyến đi thăm mới nhất của ông. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, sự thiếu tiến bộ của ông Ibrahim Gambari đã nêu lên những mối nghi ngờ về vai trò của Liên hiệp quốc trong việc đem lại sự hòa giải giữa chính phủ quân nhân và phe đối lập tranh đấu cho dân chủ tại Miến Điện.
Bầy tỏ sự bất mãn một cách hiếm thấy, nhóm đối lập hàng đầu ở Miến Điện đã công khai chỉ trích các nỗ lực của Liên hiệp quốc nhằm mang lại cải cách chính trị cho nước này. Liên minh toàn quốc đấu tranh cho dân chủ, còn gọi tắt là NLD nói rằng chuyến thăm của đặc sứ Liên hiệp quốc Ibrabim Gambari là một sự lãng phí thời giờ.
Ông Gambari đã rời Miến Điện hôm thứ bẩy và bắt đầu các chuyến đi Thái Lan và Indonesia để thảo luận về Miến Điện. Ông Gambari đã không đưa được chính phủ quân nhân và NLD cùng đến bàn đàm phán. Sau nhiều năm cố gắng, Liên hiệp quốc gần như đã không đạt được tiến bộ nào trong việc thuyết phục phe quân nhân cải tổ chính trị, dung chấp sự bất đồng chính kiến, và trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Một số chuyên gia cho rằng nỗ lực đã thất bại và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh hơn. Chuyên gia về an ninh trong vùng của trường Đại học Quốc gia Australia, ông Carl Thayer nói rằng thất bại của ông Gambari trong việc mở một cuộc đối thoại chính trị có thể dẫn đến việc vai trò của ông bị cắt đứt.
Ông Thayer nói: “Ông Gambari bị Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ chỉ trích về lề lối ngoại giao thiếu sinh động của ông. Tôi cho rằng trong tình hình ông đã ở Miến Điện gần một tuần lễ mà không gặp bà Aung San Suu Kyi, cũng như ông Than Shwe, lãnh tụ tập đoàn quân nhân, thì coi như vai trò của ông đã chấm dứt.”
Người đứng đầu NLD, bà Aung San Suu Kyi, hiện đang bị quản thúc tại gia, không dự các cuộc họp đã định với ông Gambari trong chuyến thăm lần này. Không có lý do nào được đưa ra, nhưng một tổ chức nhân quyền Miến Điện cho rằng bà đã hết kiên nhẫn về sự thất bại của Liên hiệp quốc. Bà Debbie Stodthardt là phát ngôn viên của Mạng lưới Thay đổi ASEAN về Miến Điện.
Bà Stođthart nói: “Điều đó rất rõ ràng. Qua hành động từ chối không gặp ông Gambari, bà Aung San Suu Kyi đã xác định hết sức rõ ràng là bà đã mất niềm tin vào tiến trình này và bà từ chối không tham gia vào tiến trình này. Đây là một bước đáng chú ý.”
Trong chuyến thăm, ông Gambari đã gặp thủ tướng và ngoại trưởng Miến Điện, nhưng không gặp vị tướng lãnh cao cấp là ông Than Shwe. Chính phủ quân nhân Miến Điện đã đề ra một lộ đồ dân chủ gồm các cuộc bầu cử vào năm 2010. Nhưng NLD lên án quân đội là lũng đoạn tiến trình để kéo dài sự cai trị mà họ đã nắm quyền từ năm 1962.