Đường dẫn truy cập

Thăm Viện bảo tàng Truyền thông 'Newseum' ở thủ đô Washington


Thủ đô Washington nổi tiếng vì có nhiều viện bảo tàng đủ loại, từ lớn đến nhỏ, từ nghệ thuật đến công nghệ và lịch sử. Mới đây, một viện bảo tàng mới về lịch sử ngành báo chí đã mở cửa cho công chúng vào xem. Theo tường trình của Thông tín viên Tabinda Naeem thì viện bảo tàng truyền thông có tên là 'Newseum' tọa lạc tại một địa điểm thật là thuận tiện, gần như là nằm ngay khoảng cách giữa trụ sở quốc hội và Tòa Bạch Ốc. Vị trí của viện bảo tàng này gần gũi với trung tâm quyền lực chính trị Hoa Kỳ nên nó gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về giá trị sâu xa của quyền tự do bày tỏ ý kiến rất được người Mỹ coi trọng. Lá thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả theo dõi bài viết của Ruth Reader sau đây.

Viện bảo tàng về tin tức được xây hầu như toàn bằng kính trong suốt, phản ánh tính minh bạch của truyền thông Hoa Kỳ. Khách bộ hành đi ngang qua tòa nhà có thể nhìn thấy những màn ảnh truyền hình thật lớn ở trong. Khắc trên mặt tiền của tòa nhà là Tu Chính Án Thứ Nhất của bản Hiến Pháp Hoa Kỳ, nền tảng của các quyền tự do của nước Mỹ, gồm cả quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Viện Bảo Tàng Truyền Thông là một phối hợp những hình ảnh thay đổi liên tục, các video, ảnh chụp và những tin tức cắt ra từ những tờ báo. Nó qui tụ công nghệ mới với những kỹ thuật xưa cũ để truy nguyên dòng lịch sử của tin tức.

Phó chủ tịch Viện Bảo Tàng Truyền thông, bà Susan Bennett đã ghi nhận công lao của sáng lập viên tờ nhật báo USA Today, ông đã là động lực thúc đẩy việc thành lập viện bảo tàng.

Bà Bennett nói: "Viện bảo tàng Truyền Thông trình bày ý tưởng của nhiều người. Ông Al Neyharth, sáng lập viên của tờ USA Today và Diễn Đàn Tự Do, là người tài trợ chính cho viện bảo tàng, từng nghĩ rằng chúng ta nên có một viện bảo tàng về tin tức. Viện bảo tàng tin tức đầu tiên của chúng tôi khởi sự vào năm 1997 tại bang Virginia và đã hoạt động được 5 năm. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là có không biết bao nhiêu người muốn đến xem một viện bảo tàng như vậy. Và đó là lý do khiến chúng tôi đi đến quyết định xây một viện bảo tàng lớn hơn và hay hơn nhiều."

Viện bảo tàng Truyền Thông rất đồ sộ, với không gian 75,000 mét vuông dành làm nơi hội thảo và trưng bày cho 14 phòng triển lãm tại 7 tầng lầu riêng rẽ. Trong lúc viện bảo tàng này được dành để trưng bày tài liệu về ngành báo chí, bà Bennettt nói rằng viện bảo tàng này không chủ ý nhắm tới các ký giả.

Bà Bennett nói: "Vâng, chúng tôi không xây viện bảo tàng này cho các ký giả. Chúng tôi thành lập cơ sở này để cho những ai thích chú ý đến lịch sử và những điều đang diễn biến, đến chính trị, và chúng tôi có 15 phòng chiếu phim tại đây."

Ông Ralph Applebaum là chuyên gia xếp đặt các cuộc triển lãm.

Ông Applebaum cho biết: "Đây là một viện bảo tàng ồn ào, nơi mà người ta có thể nói chuyện với nhau vì khi đi xem những gì trưng bày ở đây thì họ cũng được chứng kiến những hình ảnh về đời sống của chính họ. Theo một nghĩa nào đó, dây là một viện bảo tàng lịch sử được trình bày khác đi thôi. Bởi lẽ tin tức thực sự là cốt lõi của lịch sử."

Và khách đến thăm viện bảo tàng thường đồng ý như vậy: "Tôi thực sự thích thú khi thăm viện bảo tàng này."

"Viện bảo tàng này có rất nhiều cuộc trưng bày tương tác với nhau", một vị khách khác nói.

Ban chấp hành viện bảo tàng Truyền Thông hy vọng khơi nguồn hứng khởi cho khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm nơi này về giá trị của nền báo chí tự do, cũng như những nam nữ ký giả tận tụy dành cuộc đời họ để viết ra những bản thảo đầu tiên cho lịch sử.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG