Đường dẫn truy cập

TT Bush loan báo một cuộc cứu trợ nhân đạo qui mô cho Gruzia


Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tuyên bố hôm thứ tư là một cuộc cứu trợ nhân đạo qui mô lớn sẽ được thực hiện tại Gruzia, liên hệ tới cả lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ. Từ Washington, thông tín viên Andrea Nesnera của đài VOA đã theo dõi những cố gắng mới nhất để chấm dứt khủng hoảng tại Gruzia và có bài tường thuật sau đây.

Các nhà phân tích nói Hoa Kỳ và các nước Tây phương không có đủ quyền lực để ép Nga phải rút quân ra khỏi Gruzia. Trong tuần rồi, Tbilisi đã phái binh sĩ đến nắm quyền kiểm soát thủ phủ của Nam Ossetia, phần đất đòi ly khai của Gruzia. Nước Nga, vốn có binh lính trú đóng tại vùng này, đã trả đũa bằng cách đưa thêm quân lính, xe tăng, và xe thiết giáp để mớ cuộc phản công.

Giáo sư Marshall Golman thuộc đại học Harvard cho biết: "Chúng ta không có ảnh hưởng nhiều vì bây giờ Nga đã phục hồi sau khi nền kinh tế bị suy sụp. Hình như họ đã ổn định vị thế của họ tại Chechnya và không gặp phải khó khăn ở những nơi nào khác trên thế giới. Họ có thặng dư mậu dịch, có hơi đốt, có dầu hỏa, và vì thế tôi nghĩ rất là khó để kiếm ra được một sức bật để chống lại họ vào lúc này.”

Trong bài diễn văn ngắn ngày thứ Tư, Tổng thống Bush yêu cầu Nga rút các lực lượng của họ ra khỏi Gruzia. Ông Bush cũng nói rằng trong những ngày tới, Hoa Kỳ sẽ sử dụng lực lượng không quân và hải quân để chở phẩm vật cứu trợ và dụng cụ y khoa cho nhân dân Gruzia. Các nhà phân tích, như ông Robert Legvold của đại học Columbia, cho hay: để tới được Gruzia, chiến hạm của Hoa Kỳ phải đi qua eo biển Dardenelle và eo biển Bosphorus trước khi tiến vào Hắc Hải.

Ông Legvold nói: "Người Nga có một lực lượng hải quân, là hạm đội Hắc Hải trú đóng tại căn cứ Sevastopol và họ đã dùng lực lượng hải quân này để phong tỏa bờ biển Abkhazian hay bờ biển của Gruzia. Nhưng dĩ nhiên, điều này có nghĩa là chúng ta đang ở trong cùng một vùng biển. Và tôi nghĩ rằng không có chuyện đe dọa là chúng ta sẽ ngăn cản sự chuyển dịch của hạm đội Nga tại Hắc Hải."

Trong khi đó, giáo sư Ronald Suny của đại học Chicago cho rằng: việc gửi phẩm vật cứu trợ nhân đạo là một bước đầu quan trọng.

Ông Suny nói: "Hy vọng là việc này có sự phối hợp nào đó với phía Nga. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta đang ở bờ vực của một sự việc nghiêm trọng. Đây là một vụ xung đột nhỏ, vì người ta không quan tâm đến Nam Ossetia. Tuy nhiên, những va chạm nhỏ này có thể đưa tới những sự đối đầu giữa hai siêu cường và sẽ tạo ra một sự bất ổn vô cùng to lớn trên thế giới."

Trong bài diễn văn, Tổng thống Bush cũng nói rằng hành động quân sự của Nga tại Gruzia gây phương hại cho nỗ lực của Moscova để gia nhập các định chế quốc tế. Ví dụ như Moscova đã ra sức vận động để gia nhập tổ chức WTO. Một ý kiến khác cũng đang được bàn thảo là loại Nga ra khỏi nhóm 8 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới, thường được gọi là khối G 8. Giáo sư Marshall Goldman cho rằng chuyện này có phần chắc là không xảy ra.

Ông Goldman nói: "Quí vị phải được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia khác và tôi nghĩ rằng các nước đó đã bị trung lập hóa trên thực tế, một phần vì hầu hết các nước này, nhất là các nước Châu Âu, đều phải lệ thuộc vào khí đốt và dầu lửa của Nga. Và theo tôi, hiển nhiên là thủ tướng Putin biết rõ chuyện này. Và tổng thống Medvedev chắc chắn cũng biết chuyện này vì ông từng là chủ tịch của đại công ty dầu khí Gazprom, là nguồn cung cấp phần lớn khí đốt cho Âu Châu."

Các chuyên gia như ông Robert Legvolt cũng nói rằng cộng đồng quốc tế không có chọn lựa nào khác là hành động nhanh chóng trong nỗ lực chấm dứt sự đối đầu hiện nay.

Ông Legvolt nói: "Nếu tất cả các quốc gia chủ chốt bắt đầu với Moscova; rồi tới các nước Châu Âu; rồi tới Hoa Kỳ – Washington, mà không suy nghĩ chín chắn, nếu họ hành động nông nổi, và không nghĩ về đường xa mà chỉ phản ứng trước những sự việc cấp thời và phản ứng bằng những ngôn từ quá khích, thậm chí có thể có những hành động trả đũa quá vội vã, thì tình hình sẽ trở nên tệ hơn rất nhiều.”

Ông Legvold không nghĩ rằng tình hình này sẽ khiến thế giới quay lại với tình trạng chiến tranh lạnh. Nhưng ông cũng nói rằng: nếu không được giải quyết thì tình hình này sẽ tạo thêm những rào cản khiến cho Nga và các nước Tây phương không thể có được một mối quan hệ có ý nghĩa và có tính chất xây dựng.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG