Đường dẫn truy cập

Tác động của chính sách chính phủ đối với các doanh nghiệp


Nhiều quốc gia, hoặc là cố ý hoặc vì thiếu khôn ngoan, vẫn cứ khư khư giữ những chính sách gây khó khăn cho những nguời muốn làm ăn gây dựng các doanh nghiệp mới. Một số doanh nhân than phiền rằng họ phải đút lót mới xin được giấy phép làm ăn. Trong khi những người khác phàn nàn là guồng máy thư lại cồng kềnh gây khó khăn khiến các thủ tục bị kéo dài gần như vô tận. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên đài VOA thì hiện nay tình trạng này đang thay đổi.

Đối với ông Craig Newmark, một nhà doanh nghiệp Mỹ ở thành phố San Francisco, bang California thì bước khởi nghiệp của ông thật dễ dàng. Mười năm trước đây, không cần phải xin giấy phép mà cũng không cần bất cứ sự chấp thuận chính thức nào, ông bắt đầu mở một trang web thông báo quảng cáo, để các cộng đồng, hay cá nhân có thể đăng các thông báo, quảng cáo về mọi thứ.

Hiện nay địa chỉ trang web craigslist.org do ông khởi xướng là một trong những trang web được ưa chuộng nhất thế giới, với các thông báo, và quảng cáo của trên 500 thành phố.

Nhà doanh nghiệp Craig Newmark nói về trang web của ông như sau: "Trên cơ bản chúng tôi cung cấp một trang web thật đơn giản, giúp mọi người thực hiện những điều họ cần trong cuộc sống hàng ngày, như tìm việc làm hay tìm chỗ để ở. Nó cũng giống như một thứ chợ trời trên mạng vậy. Và nó hữu hiệu. Một phần của sự thành công của chúng tôi là chúng tôi không can thiệp vào đó."

Nhưng nhiều chính phủ không muốn như vậy. Ở Nga, các doanh nghiệp thường phải chạy tiền mới xin được các giấy phép cần thiết để làm ăn.

Bà Yana Yakovleva, một viên chức điều hành của một công ty hóa chất đã bị tù 7 tháng chỉ vì bà không để cho một công chức tống tiền bà. Bà nói rằng cách hành sử bất hợp pháp này vẫn cứ tồn tại là vì hệ thống tư pháp của Nga thoái hóa, tham nhũng. Nhà doanh nghiệp Yakovleva nhận định như sau.

Bà Yakovleva nói: "Chức năng của công tố viên không phải là điều tra. Chức năng của họ là lập thành tích. Và thành tích được dựa trên số vụ án đưa ra xét xử và số phán quyết có tội."

Ông Alexei Protsky, một cộng sự viên của bà Yakovleva, và là giám đốc công ty hóa chất, than phiền về việc có những qui định và những đòi hỏi phải báo cáo rất vô ích. Sau đây là lời ông Protsky.

Ông Protsky nói: "Đối với một nhà quản lý doanh nghiệp thì công việc quá nhiều giấy tờ có nghĩa là làm mất thời giờ vô ích và giảm năng suất lao động."

Tại Venezuela, ông Santiago Alvarez thuộc công ty phân phối thực phẩm trong thủ đô Caracas, nói rằng lề thói quan liêu cửa quyền ở nước này thật kinh khủng và gây rất nhiều trở ngại cho việc làm ăn.

Ông Alvarez nói: "Có quá nhiều bước, quá nhiều thủ tục cùng với những qui định mà chúng tôi phải thực hiện để được nhà cầm quyền cho phép ra làm ăn. Tôi biết có những người thôi không muốn kinh doanh nữa chỉ vì họ phải đối phó với guồng máy hành chánh cồng kềnh như vậy."

Còn tại Pakistan một chủ nhà hàng ăn ở thủ đô Islamabad, ông Ashar Hafeez nói rằng các biện pháp hạn chế trong lãnh vực kinh doanh đã được nới lỏng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn là một gánh nặng.

Ông Hafeez nói: "Quả thực là chúng tôi phải lo các thủ tục kéo dài như vô tận với rất nhiều phòng ban, như an sinh xã hội, thuế má, rồi đến chính quyền địa phương."

Hàng năm, Ngân hàng Thế giới cho công bố một bảng tính điểm, xếp hạng các nước đang tinh giản bớt thủ tục mở một cơ sở kinh doanh.

Bảng tính điểm liệt kê 10 mục. Một số thuộc về việc xin giấy phép, đăng ký cơ sở kinh doanh, giấy tờ về tài chính ngân hàng, đóng thuế và thực thi hợp đồng.

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới bà Dahlia Khalifa nói rằng xu hướng tinh giản này là nhằm giúp cho khu vực tư nhân.

Bà Khalifa nói: "Tôi nghĩ rằng các chính phủ đang nhận ra, vai trò của họ cũng giống như các nhà điều tiết và tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Và họ đang thực hiện đúng trong phạm vi đó. Họ đang cải cách. Họ đang thay đổi các luật lệ đã được đem thi hành từ mấy chục năm nay nhưng không còn thích hợp cho thế giới ngày nay nữa."

Trong bảng tính điểm xếp hạng năm 2007, Ai Cập đã được xếp vào nước cải cách hàng đầu tiếp theo sau là Croatia, Ghana, Macedonia và Gruzia.

Theo Ngân hàng Thế giới thì Ai Cập đã hạ giảm số vốn sơ khởi đòi hỏi để mở mở một cơ sở kinh doanh. Nước này đã hạ giảm các lệ phí đăng ký cơ sở kinh doanh và giảm bớt các thủ tục hành chánh thường làm trì hoãn việc cấp giấy phép xây cất.

Các nhà doanh nghiệp cho rằng dù đã có tiến bộ, các chính phủ vẫn còn phải làm nhiều hơn nữa.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG