Câu chuyện Phụ nữ kỳ này giới thiệu một trong những người Mỹ đã tạo được biến chuyển trong cách suy nghĩ, lối sống và hành động. Theo bài viết của biên tập viên đài VOA Mike O’Sullivan, bà Wendy Johnson là một trong những người sáng lập phong trào sử dụng các phương pháp tự nhiên trong việc trồng cây.
Tại một thung lũng êm ả ở Muir Beach, bên ngoài thành phố San Francisco, những người tự nguyện làm nông dân cầy xới đất, gieo hạt, và tưới tiêu các loại hoa mầu
Họ làm việc cùng với các nhà sư và ni cô, những người Tây phương cải theo một tín ngưỡng Á đông. Đây là nơi mà bà Wendy Johnson, một người làm vườn và làm nghề nông theo phương pháp tự nhiên, đã sống trong 30 năm qua.
Bà Johnson đã làm vườn suốt cuộc đời. Bà chú tâm theo Thiền trong khi theo ngành cao học về môn Tôn giáo So sánh ở trường đại học Hebrew tại Jerusalem. Hai mối quan tâm hội tụ ở đây, tại trung tâm thiền học của nông trại Green Gulch. Bà Johnson nói nguồn cảm hứng của bà phát xuất từ lối sống bình dị và các phương pháp trồng trọt cổ xưa, tức là trồng các loại hoa mầu mà không cần phân bón hay thuốc trừ sâu hóa học.
Bà Jonhson nói: “Mọi người đã trồng trọt theo cách này qua nhiều thế hệ, mà không làm hại đến đất đai, lấy được thực phẩm tốt từ nguồn đất tốt, và các hoa mầu tốt được trồng một cách rất tự nhiên.”
Phong trào làm vườn theo phương pháp tự nhiên đã nở rộ trong thập niên 1960 và 1970, khi những người như bà Johnson tham gia vào cuộc hồi sinh các phương pháp trồng trọt cổ xưa. Bà đã kể lại các kinh nghiệm của mình trong một cuốn sách có tựa là ‘Gardening at the Dragon’s Gate’, tạm dịch nghĩa là ‘Làm vườn ở Cổng Rồng.’ Con rồng được nhắc đến trong tựa đề này chỉ ngôi chùa ở Green Gulch.
Bà Johnson nói thiền đạo cổ xưa, nhấn mạnh vào sự bình dị và yêu mến thiên nhiên, là nguồn sáng tạo cho nông trại và cũng là một trung tâm thiền này trên những triền đồi xanh ở phía bắc San Franciso. Mọi người đến đây để tìm sự tĩnh tâm trong khi làm việc ngoài đồng ruộng, gặt hái từ đất những hoa mầu như tỏi tây, rau cải, rau xà lách và bắp cải.
Bà Jonhson nói: “Chúng tôi không đề cập đến chuyện làm việc thật chậm chạp và tận hưởng từng hơi thở rồi gieo một hạt giống, và rồi ngả người ra nhìn lên trời cao. Một số người có thể thích làm như thế trong ngôi vườn của mình. Làm việc một cách nhịp nhàng và tận lực, nhưng vẫn cảm thấy thoải mái vào cuối ngày qua công việc làm mà mình yêu thích và làm tốt, và gần gũi với thế giới thiên nhiên. Ý tôi muốn nói làm được như thế là cả một vinh dự và đặc ân to lớn.”
Còn có cả thời giờ để thiền, ngồi xếp bằng trong một phòng để thiền kiểu Nhật. Và có thời gian để ngồi và suy ngẫm trong vườn thiền, dưới vòm trúc và những ban thờ Phật nho nhỏ bầy hoa trái.
Địa điểm này được mở cho khách đến thăm để học hỏi về triết lý của trung tâm và gần gụi thiên nhiên. Bà Wendy Johnson cũng đã đem thông điệp đi khắp Hoa Kỳ, nói chuyện về liên hệ giữa việc làm vườn và thiền định. Bà cho biết những người nghe rất hưởng ứng.
Bà Johson nói: “Mọi người đều cảm nhận rằng làm vườn hay trồng trọt mang tính cách thiền định. Theo một cách sâu xa nào đó, mình thấy hồi sức, và tôi biết điều đó sau khi đã đi khắp nước. Nhiều người nói rằng làm vườn mang lại cho họ một cảm giác thư thái và gần với đất.”
Bà Johnson nói bước đầu của việc tạo một ngôi vườn là cầy xới đất. Kế đó là chăm bón bằng những loại phân tự nhiên như hỗn hợp các chất hữu cơ thối rữa, làm ra phân bón tự nhiên từ phân chuồng, lá cây và thức ăn thừa. Bà cho rằng những người làm vườn còn phải học cách thức cây cỏ sinh sôi nẩy nở ra sao, và nắm vững cơ chế của việc chăm sóc một ngôi vườn.
Bà Johnson cho biết: “Ấy là cắt tỉa cây, nhổ cỏ, tưới tiêu, theo dõi mọi thứ trong vườn, xử lý sâu bọ.”
Bà nói chữa lại rằng, hoặc ít nhất là học cách chịu đựng sâu bọ và tôn trọng môi trường. Thực phẩm từ trại Green Gulch được gửi cho một nhà hàng thời thượng ở San Francisco, và được bán tại một khu chợ nông trại nổi tiếng. Thực phẩm đó còn được dành để tặng cho những người nghèo qua một ngân hàng lương thực và các nhà ăn miễn phí cho những người thu nhập thấp.
Riêng hôm nay, bà Johnson làm việc với các giáo viên tại thành phố Berkeley gần đó trong một chương trình gọi là ‘Sân trường ăn được.’ 900 học sinh trồng những loại hoa mầu theo phương pháp tự nhiên và cùng làm việc để làm ra và thưởng thức các loại rau quả.
Bà Johnson nói: “Tôi là người dẫn dắt và bảo trợ cho những người trẻ dậy về làm vườn trong các trường công lập. Công việc của tôi thật là tuyệt – tôi là người chỉ dậy cho những người làm công việc chỉ dậy, cũng là điều thích hợp khi tôi đã 60 tuổi và đã làm công việc vườn tược suốt đời mình. Và tôi cũng có dịp làm việc với các em học sinh trung cấp rất linh hoạt, khó bảo và ồn ào!”
Bà Wendy Johnson nói rằng ngôi vườn có một cuộc sống riêng của nó, và những người làm vườn thành công tôn trọng và học hỏi từ ngôi vườn ấy.
Bà Johnson nói: “Tôi không bao giờ nói tôi quản lý ngôi vườn. Thực ra là ngôi vườn nó quản lý tôi. Đó là điều chắc chắn.”
Bà Johnson nói rằng trồng các loại hoa mầu theo phương pháp tự nhiên là một cách vun trồng tinh thần và trau giồi bản chất của chính mình.