Đường dẫn truy cập

Malaysia và vụ án liên quan tới lãnh tụ đối lập Anwar Ibrahim


Lãnh tụ đối lập Malaysia Anwar Ibrahim cho biết ông sẽ xúc tiến kế hoạch thành lập tân chính phủ vào tháng 9 giữa lúc có tin nói rằng cảnh sát đã kết thúc cuộc điều tra về cáo giác kê gian và chuẩn bị truy tố ông về tội giao hợp phản tự nhiên. Ông Anwar cho biết như thế vài ngày sau khi ngoại trưởng Malaysia, ông Rais Yatim đả kích việc ngoại trưởng Condoleezza Rice của Mỹ yêu cầu Kuala Lumpur có thái độ minh bạch và tôn trọng chế độ pháp trị trong vụ án liên quan tới cựu phó thủ tướng Anwar. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.

Cựu Phó Thủ tướng Malaysia, ông Anwar Ibrahim cho biết ông sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử bổ túc và xúc tiến kế hoạch thành lập tân chính phủ vào tháng 9 tới đây để thay thế chính phủ mà ông gọi là 'chính phủ thối nát' hiện nay. Lãnh tụ đối lập này đã cho biết như thế hôm thứ tư vừa qua trong lúc có tin nói rằng cảnh sát đã hoàn tất cuộc điều tra ông về cáo giác kê gian và chuẩn bị truy tố ông về tội giao hợp phản tự nhiên -- một tội có thể phải lãnh án 20 năm tù dựa theo luật lệ hiện hành ở Malaysia.

Năm 1998, khi còn giữ chức phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chánh, ông Anwar cũng đã bị truy tố về tội giao hợp phản tự nhiên sau khi xảy ra tình trạng bất hòa với vị thủ tướng lúc đó là ông Mahathir Mohamad. Ông Mahathir đã cách chức ông Anwar và khai trừ ông khỏi đảng Umno, là đảng đã nắm quyền ở Malaysia từ năm 1957 đến nay. Bản án về tội giao hợp phản tự nhiên của ông Anwar sau đó đã được tòa trên đảo ngược vào năm 2004 sau khi ông Abdullah Badawi lên giữ chức thủ tướng. Nhưng ông Anwar đã phải ngồi tù 6 năm về tội tham nhũng và bị cấm không được hoạt động chính trị mãi cho tới tháng tư năm nay, một tháng sau khi đảng Umno bị thất bại nặng trong cuộc bầu cử quốc hội. Sự thất bại này là một trong những nguyên do khiến Thủ tướng Badawi phải loan báo ý định từ chức vào năm 2010.

Các nhà quan sát chính trị cho biết ông Anwar giờ đây chỉ cần tranh thủ thêm sự hậu thuẫn của 30 đại biểu quốc hội nữa là chiếm được thế đa số quá bán để có thể thành lập tân chính phủ. Theo một số nhà phân tích, triển vọng chấp chánh của ông Anwar và cáo giác kê gian mà một cựu phụ tá của ông đưa ra hồi tháng 6 có thể có liên hệ với nhau. Về việc này, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia cho biết như sau:

Giáo sư Thayer nói: "Những người thuộc thành phần cốt cán trong liên minh Umno - tức Tổ chức Đoàn kết Quốc gia Mã lay, dưới sự lãnh đạo của các vị thủ tướng, đặc biệt là Thủ tướng Mahathir Mohammad, lâu nay vẫn có cách hành xử quả là rất tàn nhẫn để duy trì vị thế thống trị của mình. Tuy thủ tướng Badawi được nhiều người xem là ít thô bạo hơn, nhưng vụ này cho thấy rằng một số người cộng sự với ông đang sử dụng những thủ đoạn thâm độc."

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia, ông Syed Hamid bác bỏ cáo giác về âm mưu chính trị và nói rằng chính phủ không dự kiến sẽ bị thiệt hại uy tín vì vụ này.

Một viên chức cao cấp của đảng Umno, ông Zawbry Abdul Kadir, cho đài VOA biết rằng ông Anwar phải chấp nhận sự cai trị của luật pháp.

Ông Kadir nói: "Điều mà chúng tôi muốn nói là cần phải để cho sự việc diễn ra theo đúng đòi hỏi của luật pháp. Vấn đề hiện nay là ông Anwar không ngớt nêu lên nghi vấn về tính chất chính đáng của các định chế, bao gồm các định chế cảnh sát và hệ thống tư pháp. Kết quả là người dân Malaysia cảm thấy rối trí và điều này làm cho vụ việc có tính chất chính trị nhiều hơn."

Các cuộc thăm dò ý kiến công chúng cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Anwar đã gia tăng ngay sau khi cáo giác kê gian được loan báo. Nhưng ông Kadir của đảng Umno cho rằng dân chúng đã phán xét sự việc dựa trên tình cảm.

Ông Kadir nói: "Quả thật là chúng tôi cần phải nhìn vào sự việc một cách khách quan. Đó chính là lý do tại sao tôi quan tâm tới vấn đề là phải chăng người dân Malaysia giờ đây đã thiên về lý trí nhiều hơn để có thể xét đoán vụ án này là thật hay giả, hay là một thủ đoạn cũ kỹ được áp dụng trở lại một lần nữa. Tôi tin rằng người dân Malaysia sẽ từ từ xét đoán sự việc dựa trên lý trí."

Theo nhận xét của giáo sư Carl Thayer, cáo giác nhắm vào ông Anwar có thể giúp cho liên minh đương quyền có thời giờ sắp xếp công việc.

GS Thayer nói: "Những cáo giác về tội giao hợp phản tự nhiên đã khiến cho việc chuyển dịch theo chiều hướng đó bị chậm lại, và tạm thời bị trì hoãn vào lúc này. Việc giải quyết những cáo giác đó giúp cho ông Badawi, ông Najib và những người khác có thêm thời giờ để tìm cách ứng phó. Chẳng hạn như Thủ tướng Badawi có thể sẽ phải hy sinh bằng cách từ chức để giúp cho sự công kích của dân chúng giảm bớt cường độ ngõ hầu những nhân vật cốt cán của liên minh Umno có thể duy trì vị thế chấp chánh của mình."

Ông Anwar lâu nay vẫn được xem là một người làm chiếc cầu nối giữa các cộng đồng người Mã Lai, người Hoa và người Ấn độ; và vấn đề ông có lật đổ được chính phủ hiện nay hay không sẽ tùy thuộc vào sự từ bỏ hàng ngũ của các đại biểu quốc hội thuộc phe Umno. Tuy nhiên, theo ông Kadir, vụ án này có thể gây chia rẽ trong hàng ngũ của phe đối lập và cản trở kế hoạch của ông Anwar.

Ông Kadir nói: "Theo cách nhìn của chúng tôi thì ông Anwar đang có những vấn đề cá nhân. Chúng ta nên để cho sự việc được giải quyết thông qua thủ tục pháp lý thay vì làm cho vụ án hoàn toàn có tính chất chính trị. Chắc chắn là điều này sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch của ông Anwar định lên nắm chức thủ tướng vào tháng 9. Có lẽ nó cũng sẽ ảnh hưởng tới giao ước chính trị giữa các đảng đối lập với nhau."

Phát biểu tại Singapore hồi hạ tuần tháng 7 trong lúc tham dự hộïi nghị của Diễn đàn Khu vực Asean, Ngoại trưởng Condoleezza Rice của Mỹ đã hối thúc Malaysia có thái độ minh bạch và tôn trọng chế độ pháp trị trong vụ án liên quan tới ông Anwar. Vài giờ sau đó, ngoại trưởng Rais Yatim của Malaysia tố cáo rằng Washington xen lấn vào công việc nội bộ của Kuala Lumpur và yêu cầu các giới chức Hoa kỳ ngưng bình luận về vụ án của ông Anwar. Phó Chủ tịch đảng Umno, ông Ali Rustam cũng yêu cầu bà Rice nhìn vào chính nước Mỹ trước khi chỉ trích hệ thống pháp luật của nước khác. Theo ông Rustam, Malaysia có thái độ minh bạch khi đưa ông Anwar ra tòa, khác với sự đối xử mà Hoa kỳ dành cho những người bị giam ở Guantanamo, trong đó có những người bị giam mà không hề được xét xử và bị ngược đãi.

Một ngày trước đó, cựu Thủ tướng Paul Martin của Canada đã cùng với cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới James Wolfenshn và cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Michel Camdessus đưa ra một thông cáo chung yêu cầu Malaysia từ bỏ cáo trạng nhắm vào ông Anwar. Ba nhân vật quốc tế này cho biết họ hoàn toàn tin tưởng vào tư cách đạo đức của ông Anwar.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG