Đường dẫn truy cập

Tổng thống Bush công du Châu Á trước khi đến Bắc Kinh


Vào xế hôm nay, Tổng thống Bush sẽ lên đường thực hiện chuyến du hành một tuần qua châu Á. Ông sẽ đến thăm Nam Triều Tiên, Thái Lan và Trung Quốc. Thông tín viên Paula Wolfson chuyên theo dõi các diễn biến tại Tòa Bạch Ốc ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Có nhiều phần chắc đây là chuyến đi châu Á lần chót của ông Bush trong tư cách tổng thống. Trước tiên, ông sẽ đến Hán Thành, trạm dừng mà thoạt đầu ông đã hoạch định cách đây khoảng 1 tháng, trong thời gian ở vùng này dự hội nghị thượng đỉnh G-8.

Vụ tranh chấp về hạt nhân với Bắc Triều Tiên chắc hẳn sẽ đứng đầu nghị trình chuyến thăm này, cùng với các vấn đề thương mại và các vấn đề xoay quanh sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trên lãnh thổ Nam Triều Tiên.

Ông Robert Einhorn là một chuyên gia về các vấn đề phổ biến hạt nhân tại Trung tâm Sách lược và Nghiên cứu Quốc tế ở thủ đô Washington. Ông nói rằng Tổng thống Bush sẽ vận dụng chuyến đi này để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm đối phó với các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Einhorn nói: “Chính phủ và Tổng thống Bush sẽ tìm cách giữ cho tiến trình 6 bên này đi đúng hướng, nhưng tiến trình này rất mong manh và không còn nhiều thời gian nữa cho chính phủ của Tổng thống Bush, trước sự kiện khá trớ trêu là đã coi các cuộc thương nghị với Bắc Triều Tiên là một trong các thành quả ngoại giao đáng kể nhất.”

Ông Bush sẽ ở lại Hán Thành chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Trạm dừng của ông tại Thái Lan cũng ngắn ngủi như thế, nhưng một lần nữa, nghị trình thảo luận cũng dầy đặc. Ông sẽ đọc bài phát biểu duy nhất trong chuyến Á du này tại Bangkok, một bài phát biểu mà các vị phụ tá cho rằng sẽ là một bản đánh giá chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á trong thời gian ông tại chức. Ông cũng sẽ nhân thời gian ở thủ đô Thái Lan mà nhấn mạnh đến tình hình ở lân quốc Miến Điện.

Tổng thống Bush nói: “Tôi rất lấy làm lo ngại về quốc gia này. Cách đáp ứng của họ trước thiên tai mới đây là không thích nghi. Và chúng tôi kêu gọi chế độ này trả tự do cho nhà hoạt động dân chủ và khôi nguyên giải Nobel hòa bình, bà Aung San Suu Kyi.”

Tổng thống Hoa Kỳ sẽ được tường trình về các nỗ lực cứu trợ bão và sẽ gặp riêng với các nhà hoạt động Miến Điện, trong thời gian ở Bangkok. Đồng thời, đệ nhất phu nhân Laura Bush sẽ đến biên giới Thái Lan-Miến Điện để đi thăm một trại và chẩn y viện của người tỵ nạn.

Kế đó, hai ông bà sẽ cùng đi Bắc Kinh, nơi Tổng thống Bush sẽ là vị tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự thế vận hội Olympic tổ chức ngoài Hoa Kỳ. Tại một buổi tiễn biệt phái đoàn Olympic Hoa Kỳ tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Bush nói ông rất nóng lòng trông đợi được đích thân chứng kiến các cuộc tranh tài.

Tổng thống Bush nói: “Bà Laura và tôi trông đợi gặp lại các bạn tại Olympic. Tôi rất nóng lòng được đến đó.”

Giới phê bình cho rằng Tổng thống Bush không nên dự Thế vận hội vì những mối quan ngại đối với thành tích nhân quyền của Trung quốc và các hành động của Bắc Kinh tại Tây Tạng và vùng Darfur ở Sudan. Nhưng Tổng thống Bush nói rằng ông có thể đến thế vận hội trong tư cách một người hâm mộ thể thào và sẽ nêu các vấn đề ra trong chỗ riêng tư, trong các cuộc đàm đạo với chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần chót hôm 9 tháng 6, bên lề hội nghị thượng đỉnh G-8. Khi các ký giả được đưa vào cuối cuộc họp, ông Bush nói rằng nhà lãnh đạo Trung quốc biết rõ về các quan điểm của ông.

Tổng thống Bush nói: “Chủ tịch Trung Quốc và tôi đã liên tục thảo luận về nhân quyền và tự do chính trị. Ông ấy biết rõ lập trường của tôi. Và như tôi đã nói với nhân dân chúng tôi, thưa ngài Chủ tịch, tôi không cần đến Olympic để nói chuyện thẳng thắn với một người mà tôi đã có quan hệ tốt đẹp.”

Các cuộc đàm luận tại Bắc Kinh cũng có phần chắc sẽ tập trung vào các vấn đề tế nhị về thương mại và việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG