Đường dẫn truy cập

Dân chúng ở Việt Nam đang đương đầu với giá xăng tăng vọt


Dân chúng ở Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều khó khăn do tình trạng giá xăng tăng vọt. Thông tín viên Helen Clark của hệ thống tin IPS hôm thứ Sáu có bài tường thuật về những khó khăn mà người dân thường đang phải đương đầu trước nạn giá xăng tăng vọt.

Chẳng hạn như trường hợp của anh Nguyễn Văn Minh hàng đêm chở táo tới chợ Long Biên. Theo anh, lúc này mỗi ngày anh phải trả thêm 200 ngàn đồng tiền xăng so với tuần trước, và vì thế, biết là xe vận tải của anh chỉ được phép chở 3 tấn, anh cứ chở 11 tấn, dù là trái phép. Anh than phiền làm ăn vất vả mà lời chẳng được bao nhiêu.

Không còn tiếp tục bù lỗ cho xăng nhập khẩu, hôm 22 tháng 7, chính phủ Việt Nam đã bất ngờ tăng giá xăng thêm 36%, làm người dân thường như anh Minh chới với.

Mới trong tháng 3, chính phủ tuyên bố giữ nguyên giá xăng và giá 9 nhu yếu phẩm khác, trong đó có xi măng, thép, học phí, bệnh viện phí, nước, điện và than. Đầu tháng 7, chính phủ còn hứa giữ nguyên giá xăng dầu cho đến cuối năm.

Giờ đây Việt nam trở thành nước thứ 7 ở Á Châu – sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Bangladesh và Sri Lanka – hủy bỏ chuyện bù lỗ cho xăng nhớt để đáp ứng trước tình trạng giá xăng tăng cao.

Tuy là nước xuất khẩu dầu thô, Việt Nam lại phải nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu vì chưa có nhà máy lọc dầu.

Bài phóng sự của Helen Clark kể lại chuyện giá xăng tăng cao khiến nhiều người trong giới lái taxi tại Việt Nam giờ đây bỏ nghề, ngồi uống bia hơi tại các quán nhậu .

Vài hãng taxi đòi khách đi xe trả thêm 30% cho mỗi ki-lô-mét để bù đắp cho tình trạng xăng tăng giá.

Những tài xế làm chủ chiếc taxi của mình lại không được may mắn như vậy. Vài người kể là trước đây kiếm được chừng 200 ngàn đồng Việt Nam mỗi ngày, và giờ đây, kiếm được 1/3 con số này là may mắn lắm rồi. Vì thế nhiều người không muốn tiếp tục hành nghề nữa.

Theo báo chí trong nước, người dân lúc này phải dùng xe buýt hoặc xe gắn máy để di chuyển. Số lượng người sử dụng xe buýt tại Thành Phố Hồ Chí Minh tăng 20%, vì giá vé không tăng do việc vẫn được chính phủ trợ cấp.

Giới lái xe ôm ở Việt Nam lẽ dĩ nhiên đang gặp khó khăn, vì không được hưởng một trợ cấp nào. Trong những ngày gần đây lại có tin là người Việt có thể quay lại với phương tiện giao thông cá nhân truyền thống, đó là chiếc xe đạp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG