Đường dẫn truy cập

WHO giúp tái thiết các cơ sở y tế ở Miến Ðiện


Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, loan báo sẽ giúp chính phủ Miến Điện xây dựng và trang bị lại các cơ sở y tế bị tàn phá hoặc bị hư hại sau bão Nargis, trận bão dữ dội nhất đã thổi vào nước này kể từ 40 năm qua. WHO cho biết họ có một kế hoạch rõ rệt về những gì cần phải làm sau khi thẩm định toàn diện khu vực thiên tai, cuộc thẩm định này được phối hợp thực hiện giữa Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, và ASEAN. Từ trụ sở WHO ở Geneve, thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật sau đây.

Bản phúc trình thẩm định mức độ thiệt hại do bão Nargis gây ra là 4 tỉ đô la và ước lượng trong 3 năm tới, Miến Điện sẽ cần đến 1 tỉ đô la để hồi phục.

Cơn bão lốc thổi vào Miến Điện hồi đầu tháng Năm đã làm thiệt mạng hơn 84,000 người, tàn phá hoặc gây hư hại cho khoảng 800,000 căn nhà và làm các khu đất canh tác rộng lớn bị ngập lụt. Khoảng 75% bệnh viện và bệnh xá trong vùng Đồng bằng Irawaddy, nơi bị ảnh hưởng bão nghiêm trọng nhất, đã bị tàn phá và hư hại nặng.

Ông Richard Garfield, trưởng ban đặc trách dịch vụ y tế và dinh dưỡng của WHO, đã lưu lại Miến Điện trong 6 tuần lễ để đánh giá những thiệt hại do bão gây ra.

Ông nói ông ngạc nhiên khi thấy 80% dân chúng trong các khu vực bị bão đã tiếp cận các dịch vụ y tế trước khi bão Nargis xảy ra. Ông nói điều đó không có nghĩa là các điều kiện tại đó tốt đẹp, nhưng sau trận bão thì tình hình đã trở nên tệ hại hơn trước rất nhiều.

Bác sĩ Garfield nói: “Những gì chúng tôi biết được, dựa trên các cuộc phỏng vấn từ 10 đến 12 hộ gia đình trong mỗi làng, xã và xã trưởng, là nhà nước Miến Điện đã chi ra nhiều tiền bạc và tài nguyên hơn chúng ta nghĩ trước đó. Điều đó không có nghĩa là sự đáp ứng này đầy đủ, vì nhu cầu quá lớn. Tuy nhiên có nhiều đáp ứng hơn so với điều mà chúng tôi nghĩ.”

Bác sĩ Garfield nói ông cũng ngạc nhiên khi thấy chính phủ đã phái nhiều bác sĩ và y tá đến khu vực bị bão để đối phó với tình hình. Ông nói rằng WHO dự định xây dựng lại các cơ sở y tế bị thiệt hại và tàn phá và trang bị các cơ sở đó.

Bác sĩ Garfield cho biết WHO cũng sẽ huấn luyện các nhân viên y tế Miến Điện và giúp họ cải thiện các hệ thống liên lạc và tiếp liệu.

Bác sĩ Garfield nói: “Như vậy trong vòng 1 năm, chúng tôi hy vọng chúng sẽ được cải thiện một cách đáng kể so với trước khi bão xảy ra. Đây là nguyên tắc ‘xây lại tốt hơn.’ Và hiện nay chúng tôi có một cơ sở dựa vào để biết khi nào thì chúng tôi đạt được mức đó.”

Sau bão Nargis, giới cầm quyền quân sự ở Miến Điện đã bị đả kích vì đã từ chối một số trợ giúp của cộng đồng quốc tế và tỏ ra chậm chạp trong việc cấp chiếu khán cho nhân viên cứu trợ Liên hiệp quốc và các tổ chức cứu trợ khác. Các tướng lãnh cầm quyền cũng bị chỉ trích vì không cho phép các nhân viên cứu trợ nước ngoài được tự do lui tới vùng Đồng bằng Irawaddy.

Bác sĩ Garfield nói rằng tình trạng này hiện nay không còn nữa. Ông nói các nhân viên cứu trợ Liên hiệp quốc có thể đi đến bất cứ nơi nào mà không bị nhà cầm quyền cản trở.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG