Đường dẫn truy cập

Kiến trúc sư kêu gọi những thay đổi trong cách xây dựng các cao ốc


Những khu văn phòng được tạo mẫu theo hình các tổ mối và các tòa nhà có thể chống lại sự biến đổi khí hậu đã là trọng điểm tại một hội nghị tại Melbourne của một số các nhà thiết kế uy tín nhất của Australia. Họ kêu gọi những thay đổi cơ bản trong cách thức xây dựng các cao ốc. Các kiến trúc sư nói rằng thế giới tự nhiên phải là một nguồn cảm hứng lớn. Từ Sydney, thông tín viên đài VOA Phil Mercer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các nhà thiết kế Úc nói rằng đây là khởi đầu của thời đại sinh học. Các tham dự viên tại hội nghị ở Melbourne đã được nghe rằng họ cần phải hướng sự chú ý nghề nghiệp của họ ra khỏi việc tạo ra những sản phẩm mà xã hội thực sự không cần đến – tỷ như loại ghế có thể xếp chồng lên nhau rồi biến thành một sản phẩm điêu khắc, những loại kính râm kiểu cọ và những chiếc xe hơi lạ mắt.

Điều mà họ muốn thấy là những mẫu kiến trúc kiểm soát được các lực của thiên nhiên, qua những tòa nhà được phủ bằng cây có thể hút bớt khí carbon dioxide trong không khí, và những thành phố nổi có thể bảo toàn đất mầu cho nông nghiệp. Ông Mick Pearce là một kiến trúc sư người Zimbabwe sống tại Melbourne. Nguồn cảm hứng của ông là loài mối tầm thường.

Ông Pearce giải thích: “Cũng tương tự như máu lưu thông trong các mạch của chúng ta, bên trong các tổ mối là không khí lưu chuyển nhờ các áp suất và nhiệt độ bên ngoài. Tổ mối là một hệ thống giống như cơ thể của chúng ta. Nó tự điều chỉnh về mặt nhiệt độ, và sự kiện ấy, theo một cách nào đó, là một khuôn mẫu tuyệt hảo cho một tòa nhà. Có thể nói đó là một sự khai triển hệ thống chuyển hóa của chúng ta, và như thế có nghĩa là ta có thể xây một tòa nhà và sử dụng ít năng lượng hơn nhiều.”

Tại Zimbabwe, ông Mick Pearce đã xây những văn phòng dựa trên các nguyên tắc như thế, sử dụng những đường hầm thẳng đứng để thông khí và tiêu thụ khoảng 10% điện năng của một tòa nhà được điều hòa không khí thông thường. Ông cũng đã thiết kế một kiến trúc tương tự gọi là Nghị viện số 2, đã trở thành một trong những tòa nhà tiết kiệm được nhiều năng lượng nhất ở Melbourne, sử dụng mặt trời và sức gió để tạo nhiệt và làm lạnh.

Tòa nhà thân thiện với môi trường ở ngay trung tâm thành phố lớn thứ nhì của Australia chỉ tiêu thụ 14% năng lượng của một tháp văn phòng bình thường và khoảng 30 phần trăm lượng nước. Ông Lindsay Johnson, chủ tịch tổ chức Architecture Australia, một tổ chức đại diện cho ngành kiến trúc, đã là một diễn giả chính tại hội nghị về thiết kế này. Ông nói rằng lấy nguồn cảm hứng từ thế giới tự nhiên đã trở thành điều bắt buộc.

Ông Jonhston nói: "Đây là phương pháp phải theo và chủ yếu tất cả chúng ta phải thực sự nghĩ đến việc chúng ta sẽ sống ra sao mà không cần phải lệ thuộc vào dầu khí hay than đá. Các tòa nhà được thiết kế thực sự là dở trong thời gian vừa qua phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mới có thể ở được sẽ trở thành lỗi thời. Tôi cho rằng mọi người sẽ phải thích nghi với điều này.”

Biến đổi khí hậu và sự đáp ứng của Australia trước tình trạng này đã trở thành các điểm thảo luận chính. Lục địa khô khan nhất có người ở trên thế giới này là một trong những nước sản sinh khí có hiệu ứng nhà kính tệ hại nhất tính theo đầu người.

Một số khoa học gia đã cảnh báo rằng Australia đang phải đương đầu với sự gia tăng gấp 10 lần về các đợt nóng vào lúc sự biến đổi khí hậu khiến cho nhiệt độ tăng cao.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG