Đường dẫn truy cập

Niềm tin của giới tiêu thụ Mỹ giảm sút nghiêm trọng


Thị trường tài chánh của Mỹ bắt đầu quý 3 của năm tài khóa bằng chiều hướng khởi đầu của sự sút giảm nghiêm trọng, đánh dấu bằng tỉ lệ giảm sút 20% so với thời điểm cao giá gần đây nhất. Thời điểm cao giá nhất đó là vào tháng 10 năm ngoái khi Chỉ số Công nghiệp Down Jones tăng đến ngưỡng 1,400 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Mặc dù các chỉ số thị trường đã tăng lên vào cuối phiên giao dịch hôm thứ ba vừa qua, giá các loại chứng khoán vẫn thấp trong lúc giá dầu vẫn tiếp tục tăng. Thông tín viên Mil Arcega của Đài VOA có bài tường trình sau đây.

Bước sang quý 3 năm 2008, người tiêu dùng đến đổ xăng tại các trạm bán xăng dầu, cũng như các nhà đầu tư trên thị trường tài chánh Wall Street vẫn chưa tìm thấy một dấu hiệu ổn định nào của nền kinh tế. Giá lương thực – thực phẩm vẫn tiếp tục tăng, chi tiêu trong ngành xây dựng tiếp tục giảm, và thị trường nhà cửa tiếp tục rớt giá. Ông Bob Doll, chủ tịch công ty đầu tư Black Rock nói rằng tất cả đều do giá dầu hỏa tăng cao gây ra.

Ông Doll nói: "Có một sự liên hệ trực tiếp giữa thị trường chứng khoán và giá dầu hỏa hầu như trong mỗi một chuyển động."

Giá xăng dầu tiếp tục tăng lên những mức cao mới hầu như mỗi tuần, khiến cho người dân Mỹ lái xe đi lại ít hơn so với cách đây một năm, và số bán các loại xe hơi uống nhiều xăng cũng giảm xuống.

Nhà phân tích kinh tế Greg McBride của hãng Bankrate-dot-com nói rằng niềm tin của giới tiêu dùng giảm sút nghiêm trọng.

Ông McBride nói: "Giới tiêu dùng đang ở tâm của cơn chấn động kinh tế. Họ đang cảm nhận những chấn động đó qua việc thị trường nhà cửa rớt giá, và chắc chắn họ cảm nhận rõ những ảnh hưởng đó tại trạm bán xăng dầu và khi đi chợ."

Áp lực của giá xăng dầu liên tục tăng cao, kết hợp với yếu tố thị trường tín dụng và nhà cửa giảm sút, dẫn đến việc cổ phiếu trên thị trường chứng khoán liên tục rớt giá. Chỉ số Công nghiệp Down Jones vốn được xem là thang đo tiêu biểu nhất của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm hơn 20% tính từ tháng 10 cho đến nay.

Đối với các nhà kinh tế thì điều này chính thức đánh dấu sự bắt đầu suy giảm nghiêm trọng của thị trường.

Kinh tế gia McBride nhận định: "Theo tôi thì giới tiêu dùng không cần phải chờ cho đến khi nghe được rằng thị trường giảm sút 20% thì mới tính ra được là hiện nay nền kinh tế đang rơi vào tình trạng rất khó khăn."

Thêm vào tình hình kém khả quan này, một phúc trình mới đây nói rằng trong tháng qua, các nhà sản xuất đã phải trả nhiều tiền hơn để mua nguyên liệu, chưa kể đến chuyện mức cầu đối với sản phẩm của họ làm ra đang sút giảm. Các nhà phân tích còn dự đoán con số thất nghiệp của tháng 6 mà chính phủ Mỹ sẽ công bố trong ngày thứ Năm có thể còn xấu hơn. Kể từ đầu năm đến nay, kinh tế Mỹ đã mất 300,000 công ăn việc làm.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG