Đường dẫn truy cập

TQ-Đài Loan ký thỏa thuận thực hiện các chuyến bay trực tiếp, du lịch


Các nhà thương thuyết Trung Quốc và Đài Loan đã ký kết một thỏa thuận để bắt đầu thực hiện các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước kình địch lâu đời. Thỏa thuận này được các đại diện của hai cơ quan bán chính thức ký tại Bắc Kinh hôm nay. Những người đại diện của hai bên đã tiến hành cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên sau gần một thập niên. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo bài tường trình của phái viên Stephanie Ho của đài VOA gởi về từ Bắc Kinh.

Lễ ký kết diễn ra hôm nay đã được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Trung Quốc. Hai người đứng ra ký kết là ông Trần Vân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ ngang qua eo biển Đài Loan của Trung Quốc, và ông Giang Bỉnh Khôn, Chủ tịch Quỹ Giao lưu eo biển Đài Loan của Đài loan Giang Bỉnh Khôn. Sau khi ký xong hai ông Trần và Lâm đã tươi cười trao đổi bút lưu niệm và nâng ly Sâm banh để ăn mừng.

Hiệp ước này qui định việc thực hiện các chuyến bay thường lệ giữa Đài Loan và Trung hoa lục điạ vào cuối tuần, bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng 7 tới đây. Trong thời gian đầu, các hãng hàng không của cả hai bên sẽ thực hiện tổng cộng 36 chuyến bay.

Kể từ năm 2003 chỉ có những chuyến bay trực tiếp vào những ngày lễ đặc biệt của Trung Quốc. Thoả thuận này cũng cho phép có thêm nhiều du khách đến thăm Đài Loan, với mục đích nhắm tới là xây dựng sự tin tưởng giữa hai bên.

Đài Loan đã tách khỏi Trung Quốc kể từ khi phe Quốc dân đảng chạy ra hòn đảo này vào năm 1949, sau khi thất bại trong cuộc nội chiến với Trung cộng. Lâu nay Bắc kinh vẫn xem Đài loan này là một phần của lãnh thổ Trung Quốc và không ngớt bày tỏ quyết tâm tái thống nhất Đài loan, và sẽ sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết.

Các mối quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh trong thập niên vừa qua đã trở nên căng thẳng. Bắc kinh cho rằng Trần Thủy Biển của Đài Loan là một người có khuynh hướng muốn đảo quốc này độc lập.

Ông Triệu Tiền Minh, Giáo sư môn Chính trị tại Đại học Chính trị quốc gia Đài Loan nói rằng những quan hệ này đã được cải thiện rất nhiều sau cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan vào tháng Ba. Ông cho biết thêm rằng dân chúng Đài Loan hy vọng là sự cải thiện các mối quan hệ với Hoa Lục sẽ có một tác động tích cực đối với nền kinh tế.

Ông Triệu nói: “Thị trường Trung Quốc vô cùng to lớn. Mọi người ai cũng nhận biết điều ấy và việc quan hệ giữa hai bên trở nên tốt hơn không những tạo ra những cơ hội mới và những phúc lợi về kinh tế, do việc người dân Trung Quốc đến thăm Đài Loan, mà một chính sách cởi mở hơn cũng có thể mang lại thêm các khoản đầu tư của cộng đồng tài chánh quốc tế.”

Việc mở lại các cuộc hội đàm chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng là một điều mà Washington quan tâm. Trong những năm gần đây, các giới chức Hoa kỳ đã bày tỏ mối quan ngại đối với việc gia tăng sự căng thẳng trên eo biển Đài Loan chỉ rộng 160 kilomét, trong đó có cả mối đe doạ phát xuất từ việc Trung Quốc bố trí hàng trăm phi đạn tầm ngắn nhắm vào Đài Loan.

Báo Wahington Post đưa tin rằng kế hoạch của Hoa kỳ nhằm bán cho Đài Loan nhiều tỉ đô la vũ khí đã bị đình trệ. Ông Richard Baum, giáo sư môn Khoa học chính trị của Đại học California ở Los Angeles cho biết sự trì trệ phát sinh từ việc Washington muốn giảm thiểu những mối căng thẳng về quân sự trong khu vực này.

Ông Baum nói: “Chính quyền của Tổng thống Bush giờ đây dường như muốn nói với Đài Loan là việc Đài loan tự vũ trang với vũ khí của Hoa kỳ nên được hoãn lại, ít nhất là cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa kỳ vào tháng 11 tới đây và Thế vận hội mùa hè ở Bắc Kinh.”

Giáo sư Baum nói rằng việc Trung Quốc và Đài Loan tiếp tục các cuộc thương thuyết là phù hợp với lợi ích của mọi bên. Ông nói thêm rằng, chừng nào mà đôi bên còn nói chuyện với nhau thì họ sẽ có ít thời gian hơn để nghĩ tới việc đánh nhau.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG