Đường dẫn truy cập

Khai thác hải sản quá mức đe dọa các Ðại dương ở châu Á


Các cộng đồng và tổ chức liên quan đến biển khơi khắp nơi đã ăn mừng Ngày Đại Dương Thế Giới, nhằm ngày 8 tháng 6, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của biển cả đối với loài người. Trong khi đó thì đa số dân đánh cá ở Châu Á không ở trong tâm trạng có thể ăn mừng. Các nguồn hải sản tại Châu Á đang suy giảm, và hiện tượng thay đổi thời tiết đang gây xáo trộn cho môi trường biển, đe dọa sinh kế của các cộng đồng ngư dân nghèo. Từ Hong Kong, thông tín viên Claudia Blume của đài VOA gửi về bài tường trình sau đây:

Đó là một bản nhạc Mỹ rất thịnh hành trong những năm 1960, có tựa đề “Có quá nhiều cá dưới biển”. Nếu bản nhạc được viết trong bối cảnh ngày nay, thì có lẽ phải đổi lời lại là “Có quá ít cá dưới biển.” Các nguồn hải sản dưới lòng tất cả các đại dương trên thế giới đang suy giảm một cách đáng lo ngại. Tại Châu Á, nguồn hải sản trong 25 năm qua đã giảm đến 30%. Ngư dân phải đi ra biển xa hơn so với lúc trước, và khi trở về, số cá họ bắt được lại ít hơn.

Ông Stephen Hall, người đứng đầu Trung Tâm Cá Thế Giới, một viện nghiên cứu của Malaysia, nói rằng nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là nạn khai thác hải sản quá mức, ông Hall nói đây mới là mối đe dọa lớn nhất đối với các vùng biển quanh lục địa châu Á.

Ông Hall giải thích: “Lý do chủ yếu đưa đến nạn khai thác quá mức thực ra rất giản dị. Có quá nhiều tàu đánh cá, và có quá nhiều người đang kiếm sống nhờ vào các nguồn hải sản.”

Tác động của tình trạng suy giảm các nguồn hải sản đối với khu vực vô cùng to lớn. Châu Á không những là nơi sản xuất nhiều hải sản nhất, mà còn tiêu thụ hải sản nhiều nhất thế giới. Hải sản là một phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của đa số người dân Á Châu, chiếm đến phân nửa lượng protein tiêu thụ trong khu vực.

Giữa lúc người dân các nước Châu Á ngày càng trở nên giàu có, nhu cầu tiêu thụ hải sản cũng tăng, đẩy giá cả tăng theo. Thành phần nghèo khó tại Châu Á ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc xoay sở để mua cá về cho bữa ăn gia đình. Cùng lúc, dân đánh cá ngày càng khó kiếm ăn hơn. Ông Stephan Hall nói nhiều người trong khu vực giờ đây phải chật vật đề sống còn với mức thu nhập không đến một đôla một ngày.

Ông Hall nhận định: ‘Ngay cả ở Malaysia, một nước tương đối giàu trong khu vực, thu nhập trung bình của một ngư dân chỉ vào khoảng 34 đôla một tháng. Thế nên vấn đề là phải cung cấp một phương kế sinh nhai thay thế cho nghề đánh cá, để họ có thể bỏ nghề chài lưới và như vậy giảm bớt sức ép đối các nguồn hải sản, đồng thời bảo đảm cho những người còn bám víu vào nghề này có đủ nguồn hải sản để đánh bắt mà cung ứng cho người tiêu thụ.

Một số ngư dân nghĩ rằng nếu nguồn hải sản trong khu vực của họ bị cạn kiệt, thì họ có thể đi sang vùng biển của các nước khác để đánh bắt hải sản. Đây không phải là một giải pháp, bởi vì toàn bộ nguồn hải sản ở khắp mọi nơi đều bị cạn kiệt. Ông Andy Cornish, Giám đốc văn phòng Hong Kong của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, tiên đoán rằng sự cạnh tranh để tìm nguồn hải sản sẽ dẫn đến tranh chấp ngày càng tăng trong khu vực.

Ông Cornish giải thích: “Điều này đã xảy ra rồi, khi các tàu đánh cá Indonesia lén xâm nhập vào các vùng biển phía Bắc Australia, và ngay cả khu vực Great Barrier Reef, một khu san hô được bảo vệ, để đánh bắt trộm cá mập. Chuyện này đã gây hiềm khích giữa chính phủ Indonesia với chính phủ Australia.”

Ông Cornish nói sự yếu kém trong việc quản trị biển khơi là một trong các lý do đưa đến hiện tượng suy giảm nguồn hải sản trong khu vực, như ở Hong Kong chẳng hạn.

Ông Cornish nói: “Hiện Hong Kong không có các biện pháp kiểm soát nào đối với các hoạt động đánh bắt hải sản. Người ta không cần có giấy phép cũng sở hữu một chiếc tàu. Không có luật nào hạn chế các vụ đánh bắt hải sản. Ngư dân có thể đánh bắt bất cứ loài hải sản nào, với bất cứ kích thước nào. Thật là cả một thảm họa ở ngoài khơi.

Các vùng biển chung quanh Hong Kong giờ hầu như đã hoàn toàn cạn kiệt, khiến Hong Kong phải nhập khẩu đến 90% hải sản được tiêu thụ ở địa phương. Người dân cư ngụ tại thành phố giàu có này vốn đã quen thưởng thức cao lương mỹ vị, những loại hải sản hiếm quý và đắt tiền.

Tại các nhà hàng Hong Kong, người ta thấy các hồ cá chứa đầy những loài cá sống trong các vùng đá ngầm san hô, có giá mắc đến 200 đôla một kílô. Ông Cornish nói trong số cá đó, nhiều con đã bị đánh bắt tại các vùng đá ngầm ở Đông Nam Á, ở các nước không có chính sách duy trì tính bền vững của các nguồn hải sản .

Ông Cornish nói: “các hoạt động buôn bán hải sản sống, chuyên chở số hải sản này đến Hồng Kông bằng đường biển và đường hàng không, quả thực là một nguyên nhân làm tiêu hao hết hải sản trong các vùng đá ngầm ở khu vực Á ChâuThái Bình Dương. Những thương nhân dời sang một khu vực mới, rồi trong vòng vài năm, sau khi đã khai thác hết hải sản tươi, có giá tại đây, họ lại quay sang một khu vực khác.”

Nạn ô nhiễm tại các vùng biển quanh các khu đô thị ở Châu Á cũng có tác động xấu đến các nguồn hải sản. Một mối đe dọa khác là hiện tượng thay đổi khí hậu. Nước trong các vùng biển ngày càng ấm hơn và chứa nhiều axít, trong khi mực nước biển thì ngày càng dâng cao. Những sự thay đổi này đang đe dọa đến sự sống trong các đại dương.

Với nạn đánh bắt hải sản quá độ, nạn ô nhiễm môi trường, và hiện tượng khí hậu thay đổi, người ta đang đánh dấu hỏi, liệu người dân khu vực Châu Á còn có thể tiếp tục được tiêu thụ hải sản trong tương lai hay không.

Ông Stephan Hall nói ông tin rằng người dân Châu Á có phần chắc sẽ tiếp tục được tiêu thụ hải sản, nhưng nguồn hải sản này ngày càng xuất phát từ các trung tâm nuôi hải sản, tức là các trung tâm nuôi cá ở biển, ao hoặc hồ.

Ông Hall nói: “Khu vực nuôi hải sản chủ yếu của thế giới là ở Châu Á, Đông Nam Á và nhất là ở là Trung Quốc. Trong những năm sắp đến, chúng ta sẽ thấy công nghệ nuôi hải sản phát triển mạnh hơn nữa, tôi tin chắc như thế. Nhưng sự thách thức lẽ dĩ nhiên nằm ở chỗ phải phát triển công nghệ này một cách bền vững, không có hại cho môi trường.

Một tin tích cực là các chính quyền trong khu vực đang tìm cách giải quyết nạn khai thác hải sản quá độ. Ông Hall nói trên khắp Châu Á, đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm số tàu đánh cá. Tại bang Tamil Nadu của Ấn Độ chẳng hạn, các xuồng máy và các tàu lưới cá mỗi năm bị cấm đi đánh bắt cá trong 45 ngày. Ông Hall nói thách thức trước mắt là làm thế nào giúp những người bỏ nghề đánh cá kiếm được một kế sinh nhai mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG