Đại sứ Hoa Kỳ tại Bangladesh bày tỏ lạc quan rằng chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn tại nước này sẽ bãi bỏ tình trạng khẩn trương để tạo điều kiện cho việc tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Nhưng vị Đại sứ này cũng kêu gọi có sự tương nhượng giữa chính phủ lâm thời, quân đội, và các đảng phái chính trị để có thể thành công trong việc mở một cuộc đối thoại như là bước khởi đầu cho cuộc tổng tuyển cử đã dự trù. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Steve Herman gởi về từ Dhaka.
Trong vài ngày qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Bangladesh, ông James Moriarty, đã hội họp với một số vị Bộ Trưởng trong chính phủ lâm thời tại Dhaka. Đại sứ Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ do quân đội hậu thuẫn tại Bangladesh và các đảng phái chính đạt được một thoả thuận để có thể tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA, ông Moriarty nói rằng, cần phải có sự tương nhượng giữa các phe phái để phá vỡ tình trạng bế tắc hiện nay.
Ông Moriarty nói: "Chúng tôi không có công thức chính xác về cách xúc tiến cuộc đối thoại và ai sẽ phải nhượng bộ về chuyện gì. Nhưng chúng tôi cảm thấy rõ ràng là cuộc đối thoại này có lợi cho tất cả mọi phía."
Hai đảng chính trị quan trọng, Liên Đoàn Awami và Đảng Quốc Đại Bangladesh, nói rằng, họ sẽ không tham gia cuộc đối thoại với chính phủ nếu các nhà lãnh đạo đảng của họ không được tham dự. Cả hai nhà lãnh đạo các đảng vừa kể là Sheikh Hasina của Liên đoàn Awami và bà Khaleda Zia của Đảng Quốc Đại đều đang bị giam giữ để chờ đưa ra tòa xét xử về những cáo trạng tham nhũng. Hai vị cựu Thủ Tướng này nằm trong số 170 người bị bắt giam trong một chiến dịch của chính phủ nhằm diệt trừ nạn tham nhũng trong chính trường Bangladesh.
Chính phủ lâm thời Bangladesh lên nắm quyền từ gần một năm rưỡi nay đã đồng ý cho phép thực hiện những chiến dịch vận động bầu cử được giới hạn ở những địa điểm không phải là địa điểm ngoài trời.
Đại sứ Moriarty nói rằng, để có thể thực hiện một cuộc bầu cử tự do và công bằng thì phải gỡ bỏ tất cả mọi hạn chế liên quan tới những hoạt động chính trị.
Ông Moriarty nói: "Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi hoàn toàn bãi bỏ tình trạng khẩn trương và thành thực mà nói thì chúng tôi sắp có được điều đó. Tôi nghĩ rằng chính phủ đã thực hiện một số biện pháp và sẽ thực hiện thêm một số biện pháp nữa."
Ông Moriarty nói thêm rằng Sứ quán Hoa Kỳ sẽ không đóng vai trò trực tiếp nào trong các cuộc thương thảo, vì đó là vấn đề nội bộ của Bangladesh.
Cuộc bầu cử này được định tổ chức vào tháng Giêng năm ngoái nhưng đã bị hoãn lại vì đã xảy ra những vụ đụng độ trên đường phố và lời đe dọa tẩy chay của các phe phái. Tình trạng bế tắc hiện nay bắt nguồn từ những cuộc bạo loạn hồi tháng Mười năm 2006 khi Đảng Quốc Đại chuẩn bị giao quyền cho chính phủ lâm thời. Đảng đối nghịch, Liên Đoàn Awami phản đối giới lãnh đạo chính phủ lâm thời, vì cho rằng họ đứng về phe Đảng Quốc Đại.
Các vụ xáo trộn tiếp tục xảy ra trong nhiều tháng và chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn trương vào ngày 11 tháng Giêng năm ngoái để quân đội nắm vai trò duy trì an ninh trật tự trong nước.