Hai nữ khôi nguyên giải Nobel đã ra trước Quốc hội Mỹ kêu gọi các nhà lập pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hai vị này đại diện cho Sáng kiến Phụ nữ Nobel, một tổ chức tranh đấu cho nữ quyền và hòa bình. Họ muốn đạo đạt ý kiến của nữ giới, vào lúc các nhà lập pháp thảo luận các dự luật nhằm ngăn chặn tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Câu chuyện Phụ nữ thuật lại bài tường trình của Roseanne Skirble về cuộc điều trần này.
Bà Wangari Maathai, người Kenya, đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2004 nhờ cuộc vận động gây lại rừng ở Châu Phi. Còn bà Jody Williams, người Mỹ, thì được vinh danh năm 1997 về công tác cấm mìn. Bà Williams cho rằng không phải ngẫu nhiên mà hai người phụ nữ đọat giải Nobel cùng có mặt tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ.
Bà Williams nói: “Tôi luôn hân hạnh được gặp chị Wangari Maathai, đặc biệt vì chúng tôi cùng đến Nairobi vào năm 2004 với bà Shirin Ebadi người Iran cũng được giải Nobel, là lúc chúng tôi mạn đàm về việc làm thế nào những người phụ nữ cùng đoạt giải Nobel như chúng tôi có thể gặp nhau và vận dụng ảnh hưởng và quan hệ của chúng tôi để hỗ trợ cho công tác của phụ nữ trên toàn thế giới phục vụ cho hòa bình bằng công lý và sự công bằng, và chính tại buổi trà đàm của các nữ khôi nguyên Nobel này mà chúng tôi nẩy ra ý kiến và bây giờ có mặt ở đây.”
Sáng kiến Phụ Nữ Nobel đưa các khôi nguyên giải Nobel như bà Williams và bà Maathai vào con đường hoạt động. Họ đã gặp các nhà lập pháp, chủ trì các cuộc hội thảo, và trong tư cách một tổ chức, quảng bá cho các chương trình thăng tiến nữ quyền và hòa bình. Sứ mạng của họ tại Washington là nâng cao nhận thức về tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Bà Maathai nói rằng phụ nữ thường bị ảnh hưởng một cách thiếu cân đối trong các thiên tai có liên quan đến thời tiết, nhất là tại các nước đang phát triển.
Bà Maathai nói: “Nam giới có thể thực hiện những chuyến đi xa và đi tìm những nơi tốt đẹp hơn ở các vùng đô thị, hay các nước khác, trong khi phụ nữ thì thường bị bỏ lại và hứng chịu hậu quả.”
Thông điệp bà Maathai gửi đến các nhà lập pháp Mỹ là trong tư thế là siêu cường độc nhất và cũng là nước gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới, Hoa Kỳ phải đảm nhận một vai trò lãnh đạo lớn hơn trong cuộc chiến chống nạn tăng nhiệt toàn cầu.
Bà Maathai nói: “Để chứng tỏ rằng mình gánh trách nhiệm và quyền lãnh đạo quốc tế qua việc đưa ra các luật lệ dành hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tinh thần cho phần còn lại của thế giới. Chừng nào mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chưa nhận vị thế lãnh đạo thì các nước khác trên thế giới còn núp phía sau Hoa Kỳ.”
Bà Maathai nói rằng nếu các xu hướng tăng nhiệt hiện nay tiếp tục, thì có phần chắc là thế giới sẽ trải qua những cơn bão và các vụ hạn trầm trọng hơn, mực nước biển dâng cao và hiện tượng di trú tập thể. Bà gợi ý rằng tại sao không cung cấp viện trợ có thể giúp ngăn ngừa các thiên tai.
Bà Maathai nói: “Tại sao không cấp tiền bạc giúp họ tránh việc phá rừng chẳng hạn. Tại sao không khuyến khích các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và các nơi khác trong số các nước đã phát triển đi đầu tư vào các khu vực này qua thị trường carbon chẳng hạn?”
Bà Williams và bà Maathai được cả thế giới ca ngợi vì đã lãnh đạo các cuộc vận động về những vấn đề phức tạp. Bà Maathai nói rằng ban đầu bà không khởi xướng một phong trào, mà chỉ tập trung giải quyết một vấn đề địa phương một cách đơn giản, từ từng gốc cây một.
Bà Maathai nói: “Và tôi nghĩ rằng đối với đa số mọi người trên thế giới, đó là cách để bắt đầu giải quyết các vấn đề phải đối phó trong cộng đồng. Đối với tôi, vấn đề rất đơn giản, bởi vì tôi chỉ cần đi tìm một cái cây, đào một cái hố, trồng cây vào và tưới nước, và nếu cây sống được thì tôi cảm thấy như tôi đã khởi sự một cuộc vận động mà cả thế giới cũng có thể tham gia.”
Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, sáng kiến Vành đai xanh của bà Maathai đã mở rộng sang 155 quốc gia, trồng được hơn 2 tỷ cây trên khắp thế giới. Bà Jody Williams nêu ra rằng có được hiệp định toàn cầu chống mìn không phải là nhờ phép mầu nhiệm.
Bà Williams nói: “Tất cả là nhờ sự cần cù làm việc và tư duy có sách lược. Đó là điều mà chúng ta cần phải làm trong tư cách là phụ nữ để giải quyết những vấn đề này trong tư cách phụ nữ. Đó là suy xét có sách lược những gì chúng ta có thể cùng làm, chúng ta có thể làm gì, đánh giá và tiến tới.”
Hai vị nữ khôi nguyên giải Nobel đồng ý rằng làm cho thế giới trở nên một nơi chốn tốt đẹp hơn là một vấn đề phải thực hiện nhiều lựa chọn khác nhau. Theo bà Maathai, với lòng kiên trì và sự kiên nhẫn, ta tiến từng bước nhỏ một để thay đổi thế giới.