Giá thực phẩm và xây cất leo thang đã đẩy tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam lên tới mức 25,2% trong tháng 5, tức là mức cao nhất kể từ hơn 10 năm nay.
Các thông tấn xã AFP và AP cho hay theo các số liệu do Tổng Cục Thống Kê đưa ra hôm thứ Ba, dù chính phủ đã cố gắng chặn đứng đà lạm phát, trong đó có cả việc nâng cao lãi suất, giá tiêu dùng cũng đã tăng cao hơn tháng trước 4%.
Thông Tấn Xã AP cho rằng tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam nằm trong những tỷ lệ lạm phát cao nhất Á Châu, và giá thực phẩm ngày càng cao đã khiến giới nghèo khó khốn khổ. Nói tổng quát, giá thực phẩm cao tới 42,4% so với giá một năm trước đây, trong đó giá gạo, thực phẩm căn bản của người Việt, tăng tới 67,8%. Giá vật liệu xây cất tăng 22,9% so với năm ngoái.
Tin của AFP nói rằng giá quần áo, giày dép tăng 9,5%, giá thuốc men và dịch vụ y tế tăng 8,2%, giá vật dụng trong nhà tăng 7,5 %. Giá sinh hoạt đã tăng nhanh hơn mức tăng lương khiến xảy ra nhiều vụ lộn xộn trong các ngành công nghiệp tại nước này.
Các xí nghiệp đã phải đương đầu với 295 vụ đình công của công nhân trong 3 tháng đầu năm nay. Theo các nhà phân tích, mức lạm phát gia tăng tại Việt Nam bắt nguồn từ những vấn đề trong và ngoài nước, trong có chuyện giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Mức phát triển kinh tế mau lẹ và các chính sách cho vay tiền dễ dàng để thúc đẩy đầu tư cũng góp phần trong việc nâng cao tỷ lệ lạm phát.
Chính phủ Việt Nam đã coi việc chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Ngân Hàng Trung Ương nâng lãi suất lên 3% để kìm hãm việc vay mượn tiền và khích lệ chuyện tiết kiệm. Trong vài tháng qua, chính phủ cũng đã đình hoãn việc thực hiện một số dự án của chính phủ và chỉ thị cho các cơ quan nhà nước cắt giảm ít nhất 10% mức chi tiêu.
Theo ông Jonathan Pincus, kinh tế gia trưởng của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội, trong 6 tháng thứ nhì của năm nay, mọi người sẽ nhìn thấy kết quả của những thay đổi chính sách vừa kể. Ông nhận xét rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong tình trạng khả quan, với con số xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài gia tăng.
Mức xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5 tăng 27% so với một năm trước đây, và cam kết đầu tư trực tiếp của nước ngoàii đạt tới con số 15 tỷ 300 triệu đô la trong 5 tháng đầu năm nay, nhiều quá gấp đôi so với cùng thời gian này năm ngoái.
Tuy nhiên, giới hữu trách cũng tiên liệu là mức tăng trưởng kinh tế sẽ chậm hơn. Trước đây trong tháng này, Việt Nam đã cắt giảm chỉ tiêu phát triển trong năm nay từ 8,5% xuống còn 7%.