Đường dẫn truy cập

Phái đoàn Vatican sẽ đến Việt Nam vào tháng 6


Đức ông Barnabe Nguyễn Văn Phương, Trưởng Vụ của Mục Vụ Á Châu trong Thánh Bộ Văn Hóa và Bộ Ngoại Giao của Tòa Thánh Vatican, cho hay một phái đoàn Vatican sẽ tới viếng thăm Việt Nam vào tháng 6 này, giữa lúc các vụ phản kháng về tài sản của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo bị chính phủ tịch thâu ngày càng gia tăng.

Theo bản tin của hai Thông Tấn Xã Independent Catholic News và World Catholic News được phổ biến hôm thứ Hai, Đức ông Nguyễn Văn Phương đã tiết lộ tin vừa kể với Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam hôm cuối tuần.

Tin nói rằng Việt Nam không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh kể từ khi chính phủ Cộng Sản lên cầm quyền năm 1975, nhưng tình hình của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam đã được cải thiện nhờ vào những nỗ lực không ngừng của Tòa Thánh trong việc duy trì một cuộc đối thoại chính thức với nhà cầm quyền, trong có chuyến viếng thăm diễn ra gần như hàng năm của một phái đoàn Vatican tới Việt Nam.

Theo tin vừa kể, vấn đề tài sản của Giáo Hội sẽ chiếm ưu tiên cao trong chương trình nghị sự giữa đôi bên. Chuyện bổ nhiệm các giám mục cũng vẫn còn là một trong những vấn đề gai góc nhất, khi chính phủ Cộng Sản vô thần khước từ quyền hạn truyền thống của Tòa Thánh trong việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo của giáo hội, và theo Đức Ông Nguyễn Văn Phương, từ lâu nay vẫn là một trong những vấn đề chính trong các cuôc thảo luận giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam.

Phái đoàn sẽ viếng thăm Thánh Địa La Vang. Chính quyền địa phương đã hứa trả lại miếng đất rộng trên 21 mẫu quanh Thánh Đia bị chính phủ tịch thu năm 1975. Phái đoàn cũng sẽ viếng thăm Hà Nội, nơi các cuộc phản kháng hàng ngày vẫn đang diễn ra.

Ngày 18 tháng 12 năm ngoái, một cuôc tụ họp đã lôi kéo hàng ngàn giáo dân xuống đường sau khi Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt phổ biến một tông thư thông báo cho giáo dân biết về một kế hoạch của chính phủ muốn biến miếng đất thuộc tòa Khâm Sứ bị tịch thâu bất hợp pháp năm 1959 thành một trung tâm thương mại và giải trí.

Tin trên nói rằng cuộc biểu tình hàng ngày tại đây đã trở thành một diễn biến quan trọng, mỗi lúc một lôi kéo thêm nhiều tín đồ ngày đêm tới cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ.

Bầu không khí căng thẳng giữa chính phủ và Giáo Hội lên tới mức cao nhất khi Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội phổ biến một tối hậu thư, đe dọa sẽ có hành động nếu các buổi cầu nguyện và ngồi lỳ không chấm dứt vào lúc 5 giờ chiều ngày 27 tháng Giêng. Đáp ứng lại sự đe dọa này, hơn 3,000 giáo dân đã tụ tập cầu nguyện, bất chấp tối hậu thư của chính quyền.

Sau vụ can thiệp của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh, các vụ phản kháng đã kết thúc với lời của phía chính phủ hứa sẽ trao trả lại tài sản này cho Giáo Hôi.

Tin nói rằng cho tới nay chính phủ vẫn chưa có một hành động nào để thực hiện lời hứa vừa kể. Nhiều vụ phản kháng tương tự về tài sản trước đây thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội cũng đã xảy ra tại một giáo phận khác ở Hà Nội, ở Hà Đông, Thành Phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long.

Tin của Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam còn cho hay phái đoàn Vatican cũng dự tính đi thăm Đà Lạt, nơi lâu nay các Đức Giám Mục muốn chính quyền trao trả lại Giáo Hoàng Học Viện hiện bị chính phủ tịch thu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG