Đường dẫn truy cập

Nghiên cứu về việc chuyển tiền của người Việt ở nước ngoài về VN


Mặc dù Việt Nam có tốc độ kinh tế mỗi năm tăng từ 7% đến 8%, người Việt sinh sống bên ngoài Việt Nam vẫn phải gửi tiền về cho thân nhân. Năm ngoái, những người thường được gọi là 'Việt Kiều' này đã gửi về khoảng 6 tỉ 800 triệu đôla, chiếm 11,2 phần trăm GDP của Việt Nam. Không có con số chính xác trên thế giới hiện nay có bao nhiêu Việt Kiều nhưng có lẽ gần phân nửa sống tại Mỹ, gửi về khoảng 2/3 số kiều hối đó.

Ivan Small, sinh viên ban Tiến Sĩ của trường đại học Cornell Hoa Kỳ, là một trong số rất ít người nghiên cứu về tác động kinh tế xã hội của những tờ giấy màu xanh do Việt Kiều Mỹ gửi về cho thân nhân bên Việt Nam. Từ Hà Nội, anh đã trả lời ban Việt ngữ một số câu hỏi. Mời quý vị theo dõi với Huy Phương.

VOA: Lý do nào khiến anh chú ý đến vấn đề chuyển tiền đến độ trở thành một đề tài nghiên cứu của anh?

Ivan: Lần đầu tiên tôi chú ý đến chuyện chuyển tiền khi đến chơi nhà người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh cách đây 8 năm. Tôi thấy người đưa tiền chạy xe gắn máy đến giao những tờ một trăm đôla mới tinh cho người nhận. Ngoài tiền còn có thơ và hình ảnh của người gởi tiền từ nước ngoài. Sau đó, mọi người bắt đầu bàn về những người trong hình đang sống ở California, về tình cảm nhớ thương và về cuộc sống ở nước ngoài. Từ đó tôi mới nhận ra rằng chuyển tiền không phải chỉ mang ý nghĩa tài chính mà còn là kỷ niệm, hình ảnh, bản sắc, vân vân. Vì vậy tôi muốn đào sâu hơn về những câu chuyện phong phú bắt nguồn từ chuyện gởi tiền.

VOA: Cuộc nghiên cứu của anh về chuyện chuyển tiền của Việt Kiều Mỹ nhắm vào hướng nào nhiều nhất?

Ivan: Cuộc nghiên cứu của tôi chủ yếu nhắm vào tiềm năng phát triển kinh tế của các vụ chuyển tiền. Hướng này phù hợp với các xu hướng nghiên cứu chính sách toàn cầu khác. Đã có những cuộc nghiên cứu có ý nghĩa về những vụ chuyển tiền của những cộng đồng di dân có đông người tại Mỹ, ví dụ như người di dân gốc Mexico, Ấn Độ hoặc Philippines. Các cuộc nghiên cứu này cho thấy số tiền mà các cộng đồng đó gởi về nước họ, đã đóng góp vào việc phát triển kinh tế tại những nước đó như thế nào. Tại Việt Nam, truy tầm và theo dõi các vụ chuyển tiền khó hơn, bởi vì người ta ưa sử dụng các cơ chế bán chính thức, không qua các ngân hàng. Đây là một hiện tượng phổ biến, nó chiếm ít nhất phân nửa số đôla gởi về. Các phương tiện chuyển tiền không chính thức thì nhanh hơn, rẻ hơn, và không cần để lại nhiều bút tích giấy tờ, giống như phải gởi qua ngân hàng hoặc qua các công ty chuyển tiền của Mỹ như Western Union chẳng hạn. Người gởi tiền cũng tin cậy các phương tiện chuyển tiền không chính thức này.

VOA: Chúng tôi được biết là trong tháng 5, sẽ có hội nghị quốc tế của các tổ chức từ thiện châu Á Thái Bình Dương, gọi tắt là APPC. Hội nghị diễn ra tại Hanoi dưới sự tài trợ của tổ chức Ford của Mỹ, nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các cá nhân và các tổ chức phi chính phủ, để xem số tiền do di dân chuyển về đã làm thay đổi đất nước như thế nào. Hội nghị APPC cũng thảo luận những thách thức và đưa ra những đề xuất, và tại hội nghị này anh sẽ đưa ra một báo cáo, vậy anh có thể tóm tắt đại ý báo cáo đó được không?

Ivan: Báo cáo trước hội nghị APPC nhằm xét đến các mô hình đóng góp tập thể để phục vụ những công tác từ thiện. Chúng tôi cũng so sánh các kiểu làm việc từ thiện mà các công dân tại một số quốc gia châu Á đã thực hiện tại quê hương gốc của mình, để xem những cách đóng góp đó có mang lại những lợi ích mà tôi gọi là 'chiến lược' về lâu về dài hay không; ví dụ như có tiến đến phát triển kinh tế và xã hội dài hạn được không, thay vì chỉ giúp giải quyết những nhu cầu trước mắt.

Tôi được sự hợp tác của chị Diệp Vương ở California trong việc soạn báo cáo khảo sát này. Chị Diệp có quen biết nhiều tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam, do đó chúng tôi tập trung nghiên cứu và quan sát nhiều về các tổ chức này để xem sự đóng góp của các tổ chức đó có thể tạo ra những ảnh hưởng chiến lược nào hay không. Chúng tôi hy vọng báo cáo của chúng tôi đóng góp một số kiến thức và được nhiều người coi trọng về sự can dự ngày càng nhiều của Việt Kiều vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hy vọng là chính phủ Việt Nam có thể dựa vào cuộc nghiên cứu này để nhìn nhận một cách có hệ thống sự đóng góp tiềm năng của Việt Kiều và dùng những mô hình đóng góp của các Việt Kiều Mỹ để áp dụng cho các Việt Kiều ở những nước khác. Mãi cho đến hồi gần đây, chính quyền Việt Nam mới nhìn nhận tiềm năng to lớn và tính cách bền vững của những công tác từ thiện do Việt Kiều Mỹ thực hiện.

VOA: Sau khi đã thấy được những lý do khiến người Việt ở Mỹ gửi tiền về nước, cuộc nghiên cứu của anh đã xác định được xu hướng chuyển tiền đó sẽ như thế nào trong tương lai?

Ivan: Việt Kiều Mỹ trước tiên gởi tiền để giúp thân nhân ruột thịt của họ trước, điều đó phản ánh mạnh mẽ các nghĩa vụ, các bổn phận của gia đình. Có nhiều trường hợp, đó là cách trả ơn cho thân nhân của mình đã giúp đỡ cho mình có cơ hội ra nước ngoài. Trong thập niên 70 hoặc 80, khi kinh tế Việt Nam chưa khá, tiền chuyển về là nguồn quan trọng để sống còn. Trong những thập niên sau đó, tiền chuyển về thường mang ý nghĩa tượng trưng để duy trì quan hệ gia đình, mặc dù không còn cần thiết về mặt kinh tế. Mặc dù số lượng tiền gởi về được báo cáo là tăng trong những năm gần đây, tôi nghĩ một phần là vì đã có những cơ chế theo dõi tốt hơn, một phần là vì số lao động xuất khẩu tăng. Hầu hết những người Việt Nam mà tôi phỏng vấn nói rằng số lượng tiền chuyển về vẫn vậy, hoặc không thường xuyên giống như trước. Cùng lúc đó, chúng ta thấy Việt Kiều Mỹ về thăm Việt Nam ngày càng đông.

Hiện nay đang có xu hướng cho tập thể, nhất là đối với thế hệ Việt Kiều Mỹ thứ nhì. Họ có xu hướng lập ra những nhóm, những tổ chức rồi góp tiền vào đó để đem về Việt Nam làm chuyện từ thiện, thay vì cho tiền với tư cách cá nhân. Xu hướng cho tiền tập thể để phục vụ các mục đích từ thiện, phi chính trị hiện nay khá phổ biến và được nhiều sự ủng hộ. Trong tài liệu nghiên cứu của tôi cũng nói đến sự gia tăng của các tổ chức bác ái, phục vụ các mục tiêu nhân đạo có tính cách chiến lược.

VOA: Điều nào mà anh thấy có ý nghĩa nhất về tác động của việc chuyển tiền của Việt Kiều Mỹ lên gia đình của họ và lên xã hội Việt Nam?

Ivan: Người Việt trong nước nhận tiền và sử dụng tiền nhiều cách, nhưng nói chung họ sử dụng tùy theo ưu tiên của gia đình. Có người dùng tiền nhận được để giải quyết chuyện học hành, tìm kiếm những cơ hội làm ăn, trả tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ người già cả, khỏi cần phải vay mượn chỗ khác. Đó là chuyện gởi tiền của các cá nhân. Còn chuyện gởi tiền của tập thể, của nhóm; thì vì lý do đa số Việt Kiều bỏ nước ra đi với tính cách tỵ nạn cho nên quan hệ của họ đối với đất nước nói chung là khác với di dân những nước khác. Theo tôi, nếu Việt Nam tạo được một xã hội công dân độc lập và mạnh mẽ thì có lẽ chuyện gởi tiền của tập thể, của các nhóm Việt Kiều sẽ nhiều hơn.

(Courtesy of Christine Tran)



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG