Một phái đoàn của Tòa Thánh Vatican sẽ tới Việt Nam trong một tương lai gần để thực hiện một cuộc viếng thăm có thể dẫn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bản tin của Catholic World News cho rằng mối quan hệ ngoại giao này sẽ có lợi cho cả Việt Nam, nước đang mở rộng ra thế giới bên ngoài, và Tòa Thánh, nơi có thể giải quyết những vấn đề như tự do tôn giáo và quyền căn bản của con người.
Theo Asia News, ít lâu nay báo chí Thiên Chúa Giáo vẫn nhấn mạnh tới mối quan tâm và lòng ưu ái của Đức Giáo Hoàng Bê-Nê-Đi-Tô 14 đối với các quốc gia Á Châu.
Về phần mình, báo chí Việt Nam cũng đăng tải nhiều bài về những cuộc gặp gỡ chính thức giữa các viên chức Vatican và Việt Nam, nhất là cuộc diện kiến Đức Giáo Hoàng ngày 25 tháng Giêng năm 2007 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thông Tấn Xã này nói rằng đối với Việt Nam, đó là một thời điểm quan trọng. Vào lúc đó, hai bên thỏa thuận đi theo một lộ trình dẫn đến quan hệ ngoại giao. Thủ Tướng Việt Nam lúc đó cũng thảo luận với Bộ Trưởng Ngoại Giao Tarcisio Bertone của Tòa Thánh về những vấn đề mà cả Vatican lẫn Việt Nam cùng quan tâm.
Kể từ năm 1989, các phái đoàn của Vatican đã thực hiện 14 chuyến qua thăm Việt Nam, khởi sự với chuyến đi đầu tiên do Đức Hồng Y Roger Etchegaray lãnh đạo. Đây được coi như một cử chỉ thiện chí của Tòa Thánh với các tín đồ Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam.
Asia News trích lời một giáo sư đại học theo Thiên Chúa Giáo ở thành phố Hồ Chí Minh nói rằng cần có quan hệ ngoại giao giữa Giáo Hội Thiên Chúa và chính phủ Việt Nam. Giáo sư này cho biết thêm chắc chắn có nhiều vấn đề cần phải thảo luận, nhưng ông tin rằng việc trao đổi các đại diện có thể giúp hai bên cùng nhau giải quyết và cùng thông báo cho nhau mọi chuyện một cách rõ ràng và đúng lúc.
Hiện Việt Nam đang coi mình như một quốc gia chuẩn bị gia nhập cộng đồng quốc tế. Chính sách về tôn giáo được Việt Nam đề ra ngày 18 tháng 6 năm 2004, và Tòa Thánh Vatican phải lắng nghe quan điểm của người dân thường và các cộng đồng tôn giáo về đường lối áp dụng những luật lệ liên quan tới tự do tôn giáo, và quyền căn bản của con người.