Đường dẫn truy cập

Nên hay không nên dùng Olympic cho mục tiêu chính trị?


Nhiều tổ chức chính trị đang lợi dụng Olympic Bắc Kinh 2008 như một cơ hội để làm áp lực đòi Trung Quốc cải thiện nhân quyền. Một số người cho rằng Olympic cần phải được tách biệt với vấn đề chính trị. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đại hội thể thao thế giới này lâu nay vẫn thường được dùng cho những mục tiêu chính trị. Mời quí thính giả nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong bài tường thuật của thông tín viên Leta Hong Fincher của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Cựu vận động viên bơi lội Olympic, cô Nikki Dryden của Canada, là thành viên của Nhóm Darfur. Đây là một liên minh qui tụ khoảng 300 vận động viên đang ra sức thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về tình hình bạo động ở Darfur và về mối liên hệ giữa Trung Quốc với Sudan.

Cô Dryden nói: "Khi Trung Quốc quyết định xin được tổ chức Olympic, họ đã đưa ra một lời hứa, một sự cam kết với cộng đồng thể thao toàn cầu, là họ sẽ tôn trọng các giá trị của Olympic. Những giá trị đó chính là thăng tiến hòa bình và phẩm giá của con người. Điều đó không xảy ra ở Darfur. Và tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội rất tốt để chúng tôi thu hút sự chú ý tới mối liên hệ giữa chính phủ Trung Quốc và chính phủ Sudan, đặc biệt là trong lúc chúng ta sửa soạn chào đón Olympic khai mạc vào tháng 8 tới đây."

Ngoài vấn đề Darfur, những người phản đối Trung Quốc còn bao gồm các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền và những người ủng hộ Tây Tạng.

Những người biểu tình chống Trung Quốc đã tìm cách gây gián đoạn cho các buổi lễ rước đuốc Olympic Bắc kinh tại London, Paris và nhiều nơi khác.

Những cuộc biểu tình vừa kể đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc, và chính phủ ở Bắc Kinh nhất mức nói rằng Olympic cần phải tách biệt với chính trị. về việc này, phát ngôn viên Khương Du của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu như sau.

Bà Khương Du nói: "Những gì mà chúng ta đang chứng kiến không phải là những vụ biểu tình phản đối, mà là những vụ tấn công thô bạo nhắm vào ngọn đuốc Olympic, vốn thuộc về toàn thể thế giới. Những người yêu chuộng công bằng và công lý trên khắp thế giới đều phải lên án hành động này vì nó gây phương hại cho lợi ích của tất cả mọi người."

Tại Hoa kỳ, ba nhân vật chính trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, gồm hai thượng nghị sĩ Hillary Clinton và Barack Obama của đảng Dân chủ và thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa, đã kêu gọi Tổng thống Bush tẩy chay lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh nếu chính phủ Trung Quốc không có một sự thay đổi quan trọng về chính sách.

Tổng thống Bush cho biết ông không thay đổi kế hoạch đến dự Olympic. Ông nói thêm rằng lần nào gặp gỡ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ông cũng đề cập tới vấn đề nhân quyền.

Tổng thống Bush nói: "Tôi không xem Olympic là một sự kiện chính trị. Tôi xem đây là một sự kiện thể thao. Và trước khi diễn ra Olympic tôi đã nêu lên các vấn đề liên quan tới tự do tôn giáo, Darfur, Miến Ðiện, và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong thời gian diễn ra Olympic và sau đó, tôi cũng sẽ tiếp tục nêu lên các vấn đề này. Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội để bày tỏ hậu thuẫn cho các vận động viên của Mỹ."

Nhà văn David Wallechinsky là Phó Chủ tịch Hội Lịch sử Olympic Quốc tế. Ông Wallechinsky cho biết trong trường hợp Tổng thống Bush giữ nguyên kế hoạch thì ông sẽ là Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến dự lễ khai mạc Olympic ở nước ngoài.

Ông Wallechinsky nói thêm rằng Olympic vẫn thường bị lợi dụng để phục vụ cho các mục tiêu chính trị.

Ông Wallechinsky nói: "Olympic là một phần của thế giới và chính trị là một phần của thế giới. Vì vậy chúng ta không nên có ảo tưởng là chúng ta có thể tách Olympic ra khỏi chính trị. Ngay cả Ủy ban Olympic Quốc tế cũng không hề do dự khi đưa ra những phán xét có tính chất chính trị. Thí dụ, Ủy ban này đã cấm không cho Nam Phi tham gia Olympic trong hơn 25 năm vì chính sách apartheid của nước này. Cũng tương tự như vậy, vào năm 1972, phong trào Olympic đã cấm không cho Nam Tư tham gia những cuộc tranh tàn theo đội, chỉ có cá nhân mới được tham gia. Vì vậy cho nên trên thực tế tình hình khác với những gì mà Ủy ban Olympic thường nói, đại loại như 'đây chỉ là vấn đề thể thao, chúng tôi không dính líu tới chính trị'.

Ông Wallechinsky cho hay: Olympic Berlin 1936 và Adolf Hitler là lần đầu tiên mà chính trị dính dáng đáng kể với Olympic.

Ông Wallechinsky nói: "Khi Hitler lên nắm quyền, Phong trào Olympic và dư luận thế giới đã bàn tán rất nhiều về các vấn đề như 'Chúng ta nên làm gì?', 'Chúng ta có nên tẩy chay Olympic hay không?'. Rốt cuộc thì chẳng ai làm gì cả và Olympic được tổ chức ở nước Đức nằm dưới sự cai trị của phe Quốc Xã."

Tại Olympic Berlin, vận động viên điền kinh Jesse Owens của Mỹ, một lực sĩ người Da Đen, đã đoạt 4 huy chương vàng; và điều này được xem là một sự phản bác hùng hồn đối với chủ thuyết cho rằng người Đức là một giống dân ưu việt.

Đến năm 1968, tại Olympic tổ chức ở Mexico City, hai vận động viên chạy đua của Mỹ là Tommie Smith và John Carlos đã dùng cách chào của người Da Đen để chào khán giả trong lúc nhận lãnh huy chương. Hành động này được xem là để bày tỏ sự chống đối nạn kỳ thị chủng tộc ở nước Mỹ.

Tại Olympic Munich năm 1972, các phần tử khủng bố người Palestine đã giết hại 11 vận động của Israel.

Năm 1980, sau khi Liên Xô xâm lăng Afghanistan, Hoa kỳ đã dẫn đầu vụ tẩy chay Thế vận hội Moskova. Và sau đó, các nước trong khối Xô Viết đã trả đũa bằng cách tẩy chay Olympic Los Angeles 1984.

Nhiều nhân vật tích cực hoạt động chính trị cho biết rằng họ đã học được bài học là những vụ tẩy chay Olympic chỉ mang lại thiệt hại cho các vận động viên mà không mang lại những thay đổi về xã hội và chính trị.

Về việc này, cô Nikki Dryden, cựu vận động Olympic và là một luật sư nhân quyền thuộc Nhóm Darfur, cho biết ý kiến như sau.

Cô Dryden nói: "Việc tẩy chay là một hành động trừng phạt không đúng người. Nó làm mất đi cơ hội thi thố tài năng mà một vận động viên đã phải huấn luyện cả đời mới có được. Chúng tôi thực sự muốn thấy một cuộc liên hoan về tất cả những điều tốt đẹp trong thời gian diễn ra Thế Vận hội. Lẽ ra thì đây là một thời gian của hòa bình, là lúc mà mọi nước tụ tập với nhau để tranh đua trong bể bơi và trên sân điền kinh, chứ không phải đối đầu nhau trên chiến trường."

Cô Dryden cho biết Nhóm Darfur của cô đang ra sức hối thúc các vận động viên đưa ra những phát biểu ủng hộ nhân quyền trong lúc tham gia các cuộc tranh tài của Olympic Bắc Kinh.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG