Đường dẫn truy cập

Thiếu hụt ngân quĩ đe dọa tương lai Tòa án xét xử Khmer Đỏ


Nhiều người đang lo ngại là việc thiếu hụt ngân quĩ có thể đe dọa tới tương lai của tòa án xét xử Khmer Đỏ trong lúc những vụ xét xử đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng sắp tới. Các quốc gia cấp viện chưa quyết định cung cấp thêm các ngân khoản mới để đài thọ cho chi phí điều hành tòa án hỗn hợp Kampuchea Liên hiệp quốc, và tòa án mà nhiều người chờ đợi khá lâu này có thể sẽ hết tiền vào cuối tháng tư. Mặc dù vậy, các giới chức tòa án cho biết họ hy vọng là cộng đồng quốc tế sẽ cung cấp nhiều triệu đô la để tòa án có thể hoạt động. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Rory Byrne của đài VOA gởi về từ Phnom Penh.

Mối đe dọa đối với tòa án xét xử Khmer Đỏ đã xuất hiện từ nhiều tháng qua. Chi phí điều hành tòa án này đã từ con số dự kiến là 56 triệu 300 ngàn đô la tăng hơn gấp ba, lên tới khoảng 170 triệu đô la. Trong khi đó, những mối quan tâm về quản lý sai trái và tham nhũng của tòa án đã khiến các quốc gia cấp viện do dự trong việc quyên góp thêm tiền bạc. Bà Helen Jarvis, nữ phát ngôn viên của tòa án xét xử Khmer Đỏ cho biết như sau về tình hình hiện nay.

Bà Jarvis nói: "Chúng tôi thực sự lâm vào một tình huống khó khăn, vì về phía Kampuchea chúng tôi dự kiến là họ sẽ cạn tiền vào cuối tháng tư, về phía quốc tế thì tiền bạc cũng cạn vài tháng sau đó. Khi phía Kampuchea cạn tiền, chúng tôi không thể trông mong là tòa án sẽ chỉ hoạt động với các nhân viên quốc tế mà thôi. Tòa án chúng tôi là tòa án hỗn hợp và ở các tòa án của Kampuchea chúng tôi cần có cả hai phía. Như vị Giám đốc của chúng tôi có nói là con chim cần có hai cánh để bay, và điều này có thể áp dụng trong trường hợp chúng tôi."

Tòa án xét xử Khmer Đỏ đã gặp nhiều khó khăn trong công tác tìm kiếm ngân quĩ ngay từ thời gian đầu, chủ yếu vì những mối lo ngại là các phiên tòa sẽ bị can thiệp bởi các yếu tố chính trị.

Một số nhân vật hàng đầu trong chính phủ Kampuchea hiện nay, kể cả Thủ tướng Hun Sen, vốn là cựu thành viên Khmer Đỏ. Tuy nhiên, theo nhận xét của viên chức phụ trách báo chí của tòa án, ông Reach Sambath, chính phủ Kampuchea đáng được ghi công vì đã ủng hộ cho tòa án này.

Ông Sambath nói: "Từ lúc đầu họ đã đưa ra những cáo giác cho rằng phía Kampuchea không muốn để cho tòa án này tiến hành vì nhiều người trong chính phủ là cựu thành viên Khmer Đỏ. Nhưng ngược lại, chỉ trong vòng 4 tháng đã có 5 nghi can được mang ra trước tòa án, và đó chính là lý do khiến chúng tôi hài lòng với quyết tâm của phía Kampuchea của toà án hỗn hợp này."

Nạn thiếu hụt ngân quĩ diễn ra vào lúc mà phí tổn dự kiến của tòa án xét xử Khmer Đỏ đã tăng vọt. Theo các giới chức tòa án, các phiên xử giờ đây dự kiến sẽ kéo dài 5 năm, chứ không phải chỉ là 3 năm như được dự liệu trong ngân sách ban đầu.

Ngoài ra, tòa án mới đây cũng thiết lập một Đơn vị Nạn nhân để cho hàng ngàn nạn nhân Khmer Đỏ được tham gia các vụ xét xử như một phần của những vụ kiện dân sự. Chi phí để thu thập và xử lý các bằng chứng từ con số rất lớn những người có thể là nguyên đơn dự kiến sẽ lên tới nhiều triệu đô la.

Thêm vào đó, việc nới rộng vai trò của phiên tòa tiền thẩm để bao gồm những cuộc phúc thẩm tiền thẩm, cộng thêm phí tổn phiên dịch các văn kiện ra tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Khmer cũng khiến cho tòa án gặp thêm khó khăn về tiền bạc.

Tình hình khó khăn của tòa án đã tỏ rõ hồi tuần trước - là lúc phía Kampuchea của tòa cho hơn 200 nhân viên biết là lương bổng của họ chỉ được trả cho tới tháng tư. Các giới chức tòa án đang thúc giục các tổ chức và quốc gia cấp viện cung cấp thêm ngân quĩ.

Về việc này, ông Reach Sambath phát biểu như sau: "Tôi nghĩ rằng các khoản tiền bạc nên được cung cấp càng nhanh càng tốt, vì chúng tôi và nhân dân Kampuchea không ai muốn cho các bị cáo Khmer Đỏ được trả tự do. Vì họ đã chờ đợi cơ hội này trong 30 năm, cho nên bây giờ chúng tôi không muốn thấy họ phải chịu khổ sở thêm nữa chỉ vì tòa án phải đóng cửa vì thiếu ngân sách."

Khoảng 2 triệu người đã thiệt mạng dưới sự cai trị tàn bạo của Khmer Đỏ từ năm 1975 đến năm 1979. Việc truy tố những người bị cho chịu trách nhiệm về vụ này đã bị trì hoãn trong mấy mươi năm qua.

Đối với các giới chức tòa án, và đối với nhiều người ở Kampuchea, việc các phiên tòa có thể bị đổ vỡ vì thiếu ngân sách là một việc không thể tưởng tượng được. Nữ phát ngôn viên Helen Jarvis của tòa án này phát biểu như sau.

Bà Jarvis nói: "Thật tình là chúng tôi không thể nào tưởng tượng được là trong một tháng nữa chúng tôi sẽ phải đóng cửa. Tôi nghĩ rằng không ai muốn chuyện này xảy ra. Theo tôi, mọi người đã thừa nhận là chúng tôi đã đạt được những thành quả đáng kể, và công việc của chúng tôi rất quan trọng cho nên không thể chấm dứt vào lúc này."

Các quốc gia cấp viện - thường được gọi là Nhóm các nước có quan tâm, sẽ họp tại New York vào ngày 27 tháng này. Các giới chức tòa án ở Phnom Penh hy vọng rằng các khoản tiền đóng góp thêm sẽ được cam kết tại hội nghị này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG