Đường dẫn truy cập

Biểu tình trên mạng phản đối 'kẻ thù của internet'


Phóng Viên Không Biên Giới, một nhóm cổ võ cho quyền tự do báo chí đang tổ chức một cuộc phản đối trên mạng tố cáo các biện pháp kiểm duyệt Internet tại 15 quốc gia trên khắp thế giới. Theo tường trình của TTV đài VOA Brian Wagner thì cuộc phản đối nhắm mục đích thu hút nhiều hơn nữa sự chú ý của dư luận đến ít nhất 62 nhân vật, bày tỏ quan điểm bất đồng trên mạng đang bị cầm tù.

Nhóm Phóng Viên Không Biên Giới đang tổ chức một cuộc phản đối trên mạng để tăng thêm áp lực với các chính phủ được nhóm này liệt kê như những kẻ thù của Internet, trong số này có các nước Trung Quốc, Cuba, và Eritrea. Nhóm cổ võ cho quyền tự do báo chí có văn phòng đặt tại Paris này nói rằng năm nay họ đã thêm 2 nước Ethiopia và Zimbabwe vào danh sách các nước hạn chế nghiêm nhặt việc truy cập Internet và theo dõi các hoạt động của những người bất đồng chính kiến trên mạng.

Chiến dịch phản đối được loan tải trên trang web của nhóm Phóng Viên Không Biên Giới tại địa chỉ www.rsf.org để mọi người trên khắp thế giới có thể tham gia một chiến dịch biểu tình thực sự mà theo nhóm này thì cuộc biểu tình đó không thể nào thực hiện được tại những nước bị tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới phản đối.

Bà Clothilde Le Coz, giám đốc ban cổ võ cho quyền tự do truy cập Internet của nhóm này nói rằng tại trang web này những người sử dụng Internet có thể tham gia với những người khác trên toàn cầu để gửi một thông điệp đến các chính phủ mà họ nhắm đến.

Bà Clothilde Le Coz nói: "Quí vị hãy chọn một khẩu hiệu, chẳng hạn như 'Hãy trả tự do cho tất cả những người bày tỏ quan điểm bất đồng trên mạng' hay 'Hãy để cho Internet được tự do truy cập', và như vậy quí vị sẽ cùng với những người biểu tình khác tham gia vào cuộc biểu tình thực sự."

Nhóm Phóng Viên Không Biên Giới cho biết ít nhất 62 người trên khắp thế giới đang bị cầm tù vì bày tỏ sự bất đồng chính kiến trên mạng, và trong năm 2007 trên 2 ngàn 6 trăm trang web đã bị đóng hoặc bị ngăn chận không thể truy cập.

Bà Le Coz cho biết nhóm Phóng Viên Không Biên Giới cũng phổ biến một tài liệu hướng dẫn để giúp những người viết blog và những người bất đồng chính kiến tránh được lưỡi kéo kiểm duyệt hầu phổ biến thông tin của họ trên Internet. Tuy nhiên bà nói rằng các quan chức an ninh, đặc biệt là tại một số nước Châu Á đang gia tăng nỗ lực nhằm theo dõi các hoạt động bị cấm.

Bà Le Coz nói: "Chẳng hạn như chính phủ Trung Quốc biết người ta đang tránh né kiểm duyệt như thế nào và họ đang cố gằng tìm ra những phương cách mới để kiểm duyệt."

Bất chấp những nguy hiểm, nhiều nhà báo và các phóng viên không chính thức trên mạng tiếp tục sử dụng Internet để phổ biến thông tin. Bà Le Coz nêu lên các cuộc biểu tình phản đối ở Miến Điện vào tháng 8, nơi mà các nhân vật bất đồng chính kiến và những người khác có thể tải các hình ảnh và video ghi lại cảnh tượng lực lượng cảnh sát đàn áp người biểu tình lên mạng để các hãng tin nước ngoài sử dụng.

Tại Cuba, việc truy cập Internet bị hạn chế trong những trang web của đảo quốc này, trong khi việc sử dụng các máy computer có nối mạng với các nước khác chỉ được cho sữ dụng hạn chế trong số các du khách nước ngoài.

Các hạn chế này khiến cho các phóng viên và các nhân vật bất đồng chính kiến rất khó liên lạc với các nhóm hoạt động cho nhân quyền bên ngoài đảo quốc này, chẳng hạn như nhóm Cuban Democratic Directorate, một nhóm hoạt động cho dân chủ ở Cuba tại thành phố Miami của Hoa Kỳ.

Bà Janisset Rivero-Gutierrez, tổng thư ký của nhóm nói rằng các phóng viên và các nhà tranh đấu vẫn dùng Internet bất chấp những nguy hiểm, kể cả có luật lệ qui định hình phạt đến 20 năm tù đối với những người tường thuật trên Internet một số diễn biến nào đó xảy ra trong nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG