Đường dẫn truy cập

Thị trường tài chính Việt Nam trước cơn sóng gió


Các thị trường tài chánh ở Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn đầy sóng gió. Thị trường chứng khoán có lúc đã tăng trưởng với tỉ lệ rất cao này đã bị sút giảm hơn 30% kể từ tháng giêng, và tỉ lệ lạm phát đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Một hội nghị quốc tế của các nhà đầu tư dự trù diễn ra hôm nay ở Hà Nội đã được chính phủ Việt Nam yêu cầu hoãn lại cho tới tháng 9. Từ Hà Nội, cộng tác viên Matt Steinglass của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam do Euromoney tổ chức, vốn được dự trù khai mạc tại Hà Nội ngày hôm nay, sẽ qui tụ hàng trăm nhà quản lý tiền bạc hàng đầu thế giới. Một trong những diễn giả quan trọng tại hội nghị này là ông Sandy Flockhart - người đứng đầu bộ phận Á Châu của Ngân hàng Hồng Kông Thượng hải, có bản doanh ở Anh và là một trong 5 ngân hàng lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Tố Quỳnh của HSBC cho biết: thứ năm vừa qua, ngân hàng này nhận được điện thoại nói rằng ông Flockhard cần phải thay đổi lịch trình.

Chính phủ ở Hà Nội nói rằng lý do khiến họ lo ngại là 'sự kết hợp của các mối quan tâm về kinh tế vĩ mô và vi mô'. Thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường có biểu hiện tệ hại nhất ở Á Châu trong năm nay.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã lên tiếng chỉ trích quyết định hoãn lại ngày tổ chức hội nghị. Họ cho rằng chính phủ đã bỏ lỡ một cơ hội để trấn an các nhà đầu tư và để mưu tìm những lời khuyên của họ.

Sau khi tiến hành kế hoạch cải cách kinh tế thường được gọi là 'Đổi mới', nền kinh tế Việt Nam đã phát triển khá ngoạn mục với tỉ lệ tăng trưởng bình quân hơn 7% kể từ năm 2001 đến nay. Sau khi trở thành hội viên Tổ chức Thương mại Thế giới hồi tháng giêng năm ngoái, Việt Nam đã thu hút hơn 20 tỉ đô la đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, nhập lượng ngoại tệ to lớn này đã tạo áp lực để tiền đồng của Việt Nam tăng giá, một diễn tiến có thể phương hại tới hoạt động xuất khẩu. Để giữ cho tiền đồng không phải tăng giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua đô la và điều đó góp phần gia tăng áp lực lạm phát. Ông Benedict Bingham, đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Việt Nam, giải thích như sau về vấn đề này.

Ông Bingham nói: "Điều đó khiến cho hệ thống ngân hàng dư tiền đồng. Và lượng thặng dư của tiền đồng lưu hành trong nửa đầu năm ngoái đã khiến các khoản cho vay của ngân hàng gia tăng, và điều đó góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát."

Trong khi đó, giá trị của đô la Mỹ đã sút giảm, khiến cho việc kiềm giá tiền đồng trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, giá cả của các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu cũng gia tăng. Miền bắc Việt Nam cũng trải qua một mùa đông được xem là khắc nghiệt nhất trong vòng 40 năm, và mùa màng bị hư hại, khiến cho giá thực phẩm vốn đã cao lại còn tăng cao hơn nữa. Tỉ lệ lạm phát trong tháng hai đã lên cao tới mức gần 16%.

Để chống lạm phát, chính phủ quyết định tăng lãi suất và chỉ thị cho các ngân hàng gia tăng tỉ lệ dự trữ và giảm thiểu các khoản cho vay. Tuy nhiên, những hành động này gây phương hại cho thị trường chứng khoán vì các nhà đầu tư phải bán cổ phần để trả nợ. Trong năm nay, chỉ số chứng khoán ở Việt Nam đã giảm khoảng 1/3.

Một số các nhà đầu tư cho rằng chính phủ đã hành động quá trễ và quá mạnh tay. Ông Peter Ryder, Giám đốc Quĩ Đầu tư Indochina, nói rằng Việt Nam vẫn nằm trong giai đoạn học hỏi về việc phát triển thị trường vốn.

Ông Ryder nói: "Vào thời điểm này tôi cho họ điểm 'C trừ'. Việc họ đã cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề, thay vì làm ngơ trước tình hình, là một điểm tốt. Nhưng việc họ đã hành động quá mạnh tay và quá trễ là một điểm xấu.

Tuy có lời chỉ trích như vậy, ông Ryder và các nhà đầu tư ngoại quốc khác vẫn tin tưởng vào thị trường tài chánh Việt Nam về lâu về dài. Các chuyên gia dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng hơn 7% trong năm nay.

Mặc dù vậy, hôm thứ hai, đại diện Bingham của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hối thúc chính phủ Việt Nam kiềm chế nạn lạm phát bằng cách để cho tiền đồng tăng giá so với đồng đô la, thay vì ấn định những chỉ tiêu về các khoản cho vay của các ngân hàng.

Ông Bingham nói: "Tôi nghĩ rằng chính phủ hiểu rất rõ những vấn đề phát sinh từ tình trạng gia tăng của lạm phát và số thâm hụt mậu dịch. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều mà chúng ta đang chứng kiến là một cuộc tranh luận về việc nên dùng những công cụ nào để đối phó với sự gia tăng của lạm phát trong nền kinh tế này. Và tôi nghĩ rằng cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ."

Tuần trước, giới hữu trách Việt Nam cho biết họ sẽ để cho tỉ giá hối đoái của tiền đồng được giao động với biên độ lớn hơn. Tuy nhiên, hiện chưa rõ là biện pháp này có đủ để giữ cho nền kinh tế khỏi rơi vào tình trạng lên cơn sốt và có thể trấn an các nhà đầu tư hay không.

Ông Peter Ryder của Quĩ Đầu tư Indochina nhận xét như sau: "Tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa thấy được hồi kết thúc của cơn sóng gió và có lẽ ngay cả những áp lực đi xuống của thị trường. Vì vậy, mọi người giờ đây nên buộc chặt giây đai an toàn."

Với lạm phát gia tăng, đồng đô la Mỹ sụt giá, và thị trường chứng khoán bị giao động, các nhà đầu tư và các giới chức chính phủ phụ trách lãnh vực kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục phải bận rộn tất bật trong thời gian tới đây.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG