Đường dẫn truy cập

Singapore: Nơi tốt nhất để sinh sống ở Châu Á


Những người làm việc ở nước ngoài tiếp tục xếp hạng Singapore đứng đầu danh sách những nơi tốt nhất để sinh sống, cao hơn Hồng Kông và nhiều thành phố khác. Quốc gia thành phố này có nền kinh tế vững mạnh và môi trường an toàn hơn so với nhiều thành phố khác ở Châu Á. Tuy nhiên, khi nói tới vấn đề nhân quyền và dân quyền, Singapore vẫn còn tụt hậu trong một số lãnh vực. Từ trung tâm tin tức Châu Á của đài VOA tại Hồng Kông, thông tín viên Naomi Martig của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Là một trong những nước có nền kinh tế tốt nhất ở Châu Á, Singapore tiếp tục thu hút một số rất đông những người nước ngoài. Gần 1/3 trong tổng số 7 triệu rưỡi người cư ngụ ở quốc gia thành phố này là những người sinh đẻ ở các nước khác.

Trong năm 2007, kinh tế Singapore tăng trưởng với tỉ lệ 7,5%. Phần đất này có khu vực dịch vụ tài chánh rất vững mạnh, một hệ thống giáo dục được xem là một trong các hệ thống tốt nhất thế giới và thường xuyên được những người ra ngoại quốc làm việc xếp hạng cao trong danh sách những nơi tốt nhất để sinh sống.

Một bản phúc trình mới đây của Hội ECA International - tổ chức quốc tế lớn nhất của những người làm việc ở nước ngoài, cho biết rằng phẩm chất sinh hoạt ở Singapore tiếp tục nằm ở hạng cao nhất đối với những người ngoại quốc ở Châu Á.

Ông Lee Quane là Tổng Giám đốc của Hội ECA International ở Hồng Kông. Ông cho biết rằng phúc trình hàng năm của hội đã so sánh mức sống ở 254 nơi trên khắp thế giới.

Ông Quane nói: "Singapore được xếp hạng nhất vì không giống như các thành phố khác ở Châu Á mà các mức độ về cơ sở hạ tầng được chúng tôi liệt vào hàng đang phát triển - những thành phố đó có điểm thấp trong một số lãnh vực như y tế, cơ sở hạ tầng và các mức độ về ô nhiễm. Trong khi đó, Singapore được điểm xuất sắc trong tất cả các lãnh vực đó, tương đương với các thành phố ở các nước Tây phương."

Ông Quane nói thêm rằng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á năm 1997, kinh tế Singapore phát triển tốt hơn đối thủ của mình là Hồng Kông. GDP tính theo đầu người của Singapore giờ đây thuộc hàng vào các nước cao nhất thế giới.

Ông Quane cho hay: một yếu tố quan trọng khác khiến cho Singapore trở thành một nơi hấp dẫn là tình trạng xáo trộn xã hội nằm ở mức thấp.

Ông Quane nói: "Singapore có tỉ lệ tội phạm rất thấp, hoàn toàn không có căng thẳng xã hội hoặc chính trị - và điều đó khiến cho thành phố này trở thành một nơi cư ngụ rất tốt đối với những người ra nước ngoài làm việc."

Tuy nhiên, không có căng thẳng xã hội hay chính trị không có nghĩa là không có nghĩa là không có những mối quan tâm về nhân quyền.

Trong bản phúc trình của ECA, Singapore có một khía cạnh bị cho điểm rất thấp. Theo ông Quane, xét về mặt truyền thông, những thành phố như Hồng Kông có điểm cao hơn nhiều so với Singapore.

Giới hữu trách Singapore thực thi những biện pháp nghiêm nhặt để hạn chế quyền tự do diễn đạt. Phúc trình về Chỉ Số Tự Do Báo Chí Thế Giới năm 2007 của Hội Nhà Báo Không Biên Giới đã xếp Singapore đứng hạng 141 trong số 167 nước mà họ khảo cứu. Chính phủ ở đây hạn chế những cuộc biểu tình của công chúng và kiểm duyệt các chương trình truyền hình và các loại phim ảnh. Thêm vào đó, những người chỉ trích chính phủ thường xuyên bị kiện về tội phỉ báng với những khoản tiền đòi bồi thường rất lớn. Họ cũng gặp phải rất nhiều hạn chế đối với những gì có thể phát biểu công khai.

Ông Homayoun Alizadeh là đại diện khu vực của Cao ủy trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Thái lan. Ông cho biết nỗ lực của Singapore nhằm duy trì ổn định xã hội thường dẫn tới nạn kiểm duyệt quá độ.

Ông Alizadeh nói: "Thí dụ như năm ngoái, khi ngân hàng thế giới tổ chức hội nghị quốc tế ở Singapore, một số các tổ chức thuộc xã hội dân sự ở Singapore đã định thực hiện một cuộc biểu tình để bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng họ đã bị cấm không được thực hiện những hoạt động như vậy."

Theo các nhà phân tích, những vấn đề dân quyền và nhân quyền như vậy không phải là một mối quan tâm đối với hầu hết những người nước ngoài làm việc ở Singapore, bởi vì các vấn đề này chưa nghiêm trọng đến độ làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của họ.

Ông Alizadeh nói rằng Singapore đang tìm cách cải thiện thành tích nhân quyền. Ông nêu thí dụ là các giới chức của nước này đã đóng một vai trò then chốt trong việc thiết lập một ủy ban nhân quyền cho khối ASEAN.

Ông Aziladeh nói: "Singapore đã đóng một vai trò quan trọng - đặc biệt là khi hiến chương ASEAN được ký kết ngày 20 tháng 11 năm 2007 tại Singapore. Họ đã ra sức thuyết phục những nước như Miến điện để cho Hiến chương ASEAN có thể được ký kết, đặc biệt là đối với Điều 14 nói về cam kết của các nước hội viên ASEAN đối với việc thiết lập cơ quan nhân quyền của ASEAN."

Một số các tổ chức nhân quyền cho rằng cơ quan nhân quyền của ASEAN không đủ để giải quyết những mối quan tâm về nhân quyền trong khu vực. Tuy nhiên, ông Aziladeh nói rằng sự vận động của Singapore cho việc thiết lập ủy ban này là một sự kiện quan trọng vì các giới chức của Singapore nhận thức được rằng tiến bộ về nhân quyền là chìa khóa của sự ổn định lâu dài. Và chính phủ Singapore xem ổn định là yếu tố then chốt để xây dựng một thành phố an toàn và giàu có.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG