Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên ca ngợi buổi hòa nhạc lịch sử


Bắc Triều Tiên đã ca ngợi buổi trình diễn lịch sử đầu tiên của một ban nhạc đại hòa tấu của Mỹ tại thủ đô Bình Nhưỡng. Thông tín viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Kurt Achin có thêm một số chi tiết về sự kiện mà một số người gọi là một nguồn nước mát nhằm làm dịu bớt những quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước.

Các thành viên trong Ban Nhạc Giao Hưởng New York đã mang lại niềm phấn khởi cho cử tọa Bắc Triều Tiên ngay từ vài nốt nhạc đầu tiên khi họ hòa tấu bản quốc ca của nước Cộng sản này.

Sau đó ban nhạc đã thực hiện điều mà nhiều người xem như là một sự kiện đầu tiên trong lịch sử khi họ tấu lên bản quốc thiều của nước Mỹ: The Star Spangled Banner, được các đài paht thanh và truyền hình trực tiếp truyền đi cho dân chúng trên khắp Bắc Triều Tiên thưởng ngoạn.

Lâu nay guồng máy tuyên truyền của nhà nước Bắc Triều Tiên vẫn luôn luôn mô tả Hoa Kỳ như là một kẻ xâm lăng thù nghịch. Cuộc viếng thăm của ban nhạc giao hưởng này đã được nhiều người mô tả như là một hình thức ngoại giao âm nhạc, cũng tương tự như chính sách được gọi là ngoại giao bóng bàn do chính phủ Nixon khởi xướng với Trung Quốc trong thập niên 1970.

Sau khi hòa tấu nhạc phẩm New World Symphony, Khúc Nhạc Thế Giới Mới của nhà soạn nhạc Antonin Dvorak của Cộng Hòa Czech, Nhạc Trưởng Lorin Maazel đã sử dụng khả năng hóm hỉnh của mình để giới thiệu phần trình bày của ban Hòa Tấu New York trong nhạc phẩm An American in Paris, một người Mỹ tại Paris, của nhạc sĩ George Gershwin.

Ông Maazel nói: "Một ngày nào đó, có thể sẽ có một nhà soạn nhạc sáng tác một nhạc phẩm mang tên 'Những Người Mỹ tại Bình Nhưỡng'."

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đã không tham dự buổi trình diễn này, tuy nhiên trong số cử tọa người ta thấy có sự hiện diện của các quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên.

Buổi trình diễn đã được kết thúc bằng một tấu khúc được soạn lại theo bản Ariang, một bản dân ca Triều Tiên mang âm hưởng như là một bản quốc ca không chính thức của cả 2 miền Nam Bắc Triều Tiên.

Các chuyên gia nêu lên sự kiện cho thấy rằng đã có nhiều thay đổi tại Bắc Triều Tiên kể từ khi nước này khởi sự gia tăng những cuộc giao tiếp với Nam Triều Tiên, bắt đầu bằng một hội nghị thượng đỉnh trong năm 2000. Cũng theo lời các chuyên gia này thì ngày nay Bắc Triều Tiên đã không còn bị cô lập như trước đây, và những sự kiện như buổi trình diễn của ban nhạc đại hòa tấu New York sẽ có thể dọn đường cho việc mở cửa nhiều hơn tại Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo lời ông Bryan Myers, một nhà nghiên cứu về tuyên truyền của nhà nước Bắc Triều Tiên tại trường Đại Học Dongseo ở Nam Triều Tiên thì buổi hòa nhạc này chỉ làm cho người Mỹ tăng thêm ảo tưởng về việc nối lại mối quan hệ hữu nghị hơn là thay đổi Bắc Triều Tiên. Ông nêu lên sự kiện cho thấy rằng nhiều tháng sau khi buổi trình diễn này đã được xác nhận nhưng các cơ quan truyền thông của nhà nước tại Bình Nhưỡng vẫn còn kêu gọi thực hiện một cuộc thanh toán bằng máu với Hoa Kỳ.

Ông Myers nói rằng lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il cần duy trì tinh thần chống đối Hoa Kỳ trong dân chúng để Bình Nhưỡng có thể trốn tránh trách nhiệm về sự nghèo khó cùng cực tại miền Bắc vì những quản trị sai lầm về kinh tế trong nhiều thập niên qua:

Ông Myers nói: "Nếu ông ta từ bỏ chủ trương chống đối Mỹ thì ông ta sẽ tự đặt mình vào vị thế trở thành một người chỉ biết điều khiển việc phân phối hàng cứu trợ của nước ngoài, và đó không phải là một chức vụ hấp dẫn đối với nhà lãnh đạo của một nước. Và sự từ bỏ đó cũng loại bỏ tất cả mọi lý do để Bắc Triều Tiên có thể tồn tại như là một nước riêng biệt."

Bộ Ngoại Giao Nam Triều Tiên đã phổ biến một bản tuyên bố ca ngợi buổi hòa nhạc này như là một cơ hội để cải thiện sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG