Một hội nghị quốc tế tại New Zealand đã hoàn tất một bản sơ thảo của hiệp ước cấm sử dụng bom chùm. Những người vận động cho hiệp ước nói rằng hội nghị đã đẩy mạnh những nỗ lực nhằm đạt được một hiệp định có ý nghĩa, nhưng theo tường trình của thông tín viên Phil Mercer của đài VOA từ Sydney thì việc đạt được mục tiêu này chưa có gì là chắc chắn cả.
Bản dự thảo hiệp ước được đúc kết tại New Zealand tuyên bố rằng bom chùm gây ra những thiệt hại không thể chấp nhận được cho thường dân và cần phải cấm các nước sản xuất và tồn trữ những loại bom này.
Hiệp ước được đề nghị này được gọi là Tuyên ngôn Wellington, theo tên của thủ đô New Zealand, nơi diễn ra cuộc họp gồm 122 nước trong tuần này. Cuộc họp do Liên minh các loại bom chùm tổ chức. Đây là mạng lưới của 200 tổ chức tư nhân, trong đó có các nhà lãnh đạo của Chiến dịch vận động cấm mìn bẫy quốc tế - là tổ chức từng đoạt giải Nobel Hòa bình.
Các nhà hoạt động hy vọng là bản dự thảo hiệp ước, đã được đại diện 82 nước tham dự hội nghị ký kết, sẽ được chuyển thành một hiệp ước cưỡng hành trong cuộc họp kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 5 tại Ái Nhĩ Lan.
Tuy nhiên, các nhà thương thuyết của Anh đã cảnh báo rằng sẽ diễn ra các cuộc thảo luận gay go trước khi bản hiệp ước được ký kết.
Việc cấm loại bom chùm này trên thế giới gặp sự chống đối của Hoa kỳ, Nga và Trung Quốc, cũng như của Ấn Độ, Pakistan và Israel. Tất cả đều là những nước chính sản xuất các loại bom chùm và không nước nào tham dự hội nghị Thượng đỉnh Wellington. Washington chống lại lệnh cấm này vì công hiệu của loại vũ khí này về mặt quân sự.
Tuy nhiên bà Jody Williams, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1997 nhờ những đóng góp cho hoạt động chống mìn bẫy, cho biết bà tin rằng việc cấm bom chùm trên thế giới là chuyện không thể tránh.
Bà Williams nói: "Nếu chúng tôi có được 80 nước tán đồng hiệp ước này vào lúc kết thúc hội nghị tại Dublin, đó là sẽ là một diễn tiến vô cùng tốt đẹp, và việc ký kết sẽ diễn ra vào tháng 12; chúng tôi cũng sẽ tận dụng thời gian đó để đưa thêm các nước khác vào bản hiệp ước. Theo tôi thì chúng ta sẽ được trông thấy một bản hiệp ước mới để cấm các loại bom chùm, và điều đó cho thấy rằng ngay cả trong thời điểm đầy khó khăn này chúng ta vẫn có thể tiếp tục cấm các loại vũ khí gây thương vong bừa bãi và tạo ra cho thường dân những con số thương vong và thiệt hại không kể xiết."
Bom chùm được thiết kế để nổ phía trên mặt đất và phóng ra hằng ngàn những quả bom nhỏ sẽ nổ tung khi bị va chạm. Nhiều quả bom không nổ ngay và nằm trên những cánh đồng hay trong các làng mạc và sau đó sát hại, hay gây thương tật cho nhiều người đụng phải chúng.
Nỗ lực đạt được hiệp ước toàn cầu cấm bom chùm đã bắt đầu tại Na Uy hồi năm ngoái. Hội nghị tại Wellington và hội nghị kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 5 tại Ái Nhĩ Lan, nằm trong khuôn khổ của chương trình hành động được gọi là Tiến trình Oslo.