Trong cuốn tiểu thuyết mới tựa đề Sands of Zulaika, nhà văn người Mỹ gốc Ả Rập Kathryn Abdul Baki tìm hiểu xem những ý niệm sai lạc đã có từ rất lâu có thể đưa đến những ngộ nhận như thế nào cho những người thuộc hai nền văn hóa khác nhau. Mời quí vị theo dõi Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay qua bài viết của Faiza Elmasry về chủ ý của tác giả Kathryn Abdul-Baki muốn nhìn về Trung đông bằng một lăng kính của một người từ bên ngoài.
Sands of Zulaika là cuốn tiểu thuyết thứ ba của nhà văn nữ Kathryn Abdul–Baki mới được xuất bản, nhà văn người Mỹ gốc Ả Rập dẫn độc giả đi vào đời sống hiện đại của một quốc gia nhỏ bé trong vùng vịnh Ba Tư. Trong lúc những tác phẩm trước của bà chỉ đề cập riêng đến đời sống và văn hóa của người Ả Rập thì lần này bà lại chọn các nhân vật chính là người Mỹ làm việc và sinh sống trong vùng Vịnh.
Câu chuyện lấy cảm hứng từ những kinh nghiệm sống của tác giả tại Bahrain 20 năm trước.
Bà Abdul–Baki nói: "Điều làm cho tôi yêu mến Bahrain là đời sống tại đây rất êm đềm, thanh bình. Ở Bahrain tôi có cảm giác như thời gian ngừng trôi; đây là điều làm tôi thấy vùng này vô cùng quyến rũ. Vì thế, tôi muốn viết về khu vực này, về vịnh Ba Tư, và tôi muốn viết về nó theo nhãn quan của một kiều dân nhìn về nó."
Tuy nhiên, khi nhà văn dựng bối cảnh cho câu chuyện thì lại không phải là ở Bahrain, mà là ở một đảo quốc nhỏ bé không có thực trong vùng vịnh, được đặt tên là Abu-Samra.
Bà Abdul–Baki nói: "Tôi phải sáng tạo ra một nơi hoàn toàn khác hẳn, một nơi chốn tưởng tượng. Đó là một tổng hợp cuả nhiều nơi chốn tôi đã từng sống qua, nó mang một chút gì đó của Bahrain, một chút Kuwait, một chút Qatar. Tôi muốn tạo ra một không gian uyển chuyển để cho các nhân vật của tôi được tự do sinh hoạt."
Nhân vật chính là một cặp vợ chồng người Mỹ, Derek và Gina. Nam nhân vật, Derek, sang đó cho một công việc đặc biệt, mọi chuyện đã định sẵn trong đầu, và một sứ mạng phải hoàn tất. Vì thế anh ta không có nhiều thời giờ để nhận xét những gì xảy ra chung quanh. Còn Gina, dĩ nhiên, có nhiều thời giờ rảnh rỗi vì không phải làm việc toàn thời gian, nên có cơ hội chú ý theo dõi sâu rộng đời sống ở đó hơn. Cô cảm nhận được những tinh tế mà Derek chẳng bao giờ thấy. Màu sắc, sức nóng, và vẻ đẹp của sa mạc. Còn Derek, chồng cô, lại cảm thấy bực bội vì mọi chuyện không theo trật tự thời gian của chiếc kim đồng hồ như ở thành phố New York, vì thế mọi chuyện thực sự đã làm cho Derek hết sức bất mãn.
Thế rồi Gina gặp một nhà khảo cổ Ả Rập, một người từ Abu Samra, đã được đào tạo tại đại học Oxford. Không giống như những quan niệm sai lầm chung đối với nam giới Trung Đông, tác giả Baki trình bày nhân vật này như một nguơiø có đầu óc rộng mở và biết tôn trọng phụ nữ. Ông mời Gina đến địa điểm đào sới, nơi mà ông đang tìm kiếm thành phố trong huyền thoại được nói đến rất nhiều trong những tài liệu cổ ngữ của người Sumer.
Bà Abdul–Baki nói: "Tôi muốn nhân vật Gina thay đổi quan niệm về đời sống và bằng cuộc gặp gỡ nhà khảo cổ Ả Rập này, qua ông, nhân vật Gina đã thay đổi và phóng khoáng hơn trong cách nhìn về đời sống, nói chung."
Chồng của Gina, Derek, không có cùng một sự say mê ngày càng lớn như của vợ đối với nền văn hóa Trung Đông., không phải chỉ vì anh bận mà còn vì thái độ của anh nữa. Theo tác giả, thái độ đó không phải là bất thường trong số những người ngoại quốc mà bà gặp tại Bahrain.
Bà Abdul–Baki nói: "Đó là một điều gì làm cho tôi sửng sốt khi tôi sống tại Bahrain. Một số những kiều dân tỏ ra sợ sệt. Họ có sẵn ý tưởng trong đầu rằng ở đỡ tại đây cho qua vài ba năm rồi thôi. Rất nhiều trong số những người này sống khép kín chùm dúm lại với nhau ; người Anh giao tiếp với người Anh, người Mỹ có những nhóm riêng của họ. Những kiều dân khác cũng xử sự như vậy."
Cha của tác giả Kathryn Abdul Baki là người Palestin và mẹ là người Mỹ. Bà ra đời tại thủ đô Washington và lớn lên ở Trung Đông. Bà cho biết vì mang 2 dòng máu nên bà có cơ hội hiểu biết tường tận hơn về những dị biệt của 2 nền văn hóa. Theo bà thì cũng nhờ thế mà bà có thể chiêm nghiệm và đánh tan nhiều hiểu lầm, ngộ nhận về nền văn hóa giữa Đông-Tây.
Bà Abdul–Baki nói: "Trong lúc một số chuyện có thể đã chỉ diễn ra một cách từ tốn nhưng bất thình lình xảy ra biến cố ngày 11 tháng 9 năm 200một thì người ta phải trực diện ngay lập tức với những quan niệm sai lầm. Và quí vị thấy là sự phẫn nộ đều bùng ra từ hai phía, giữa Tây phương và Trung Đông.Theo tôi thì rồi ra đôi bên cũng sẽ hiểu biết thêm lẫn nhau. Tôi đã nói chuyện với các quân nhân, với những người từ Trung Đông trở về, và thấy rằng họ đã hiểu biết hơn về văn hóa trong khu vực đó."
Tác giả Kathryn Abdul Baki nói rằng bà hy vọng cuốn tiểu thuyết mới không những chỉ giúp cho độc giả giải trí, mà còn cho họ, những người như nhân vật Gina, một cái nhìn mới về văn hóa và đời sống ở Trung Đông. Đó là điều khác biệt với những gì mà họ thường thấy khi xem các chương trình tin tức trên truyền hình vào buổi tối mỗi ngày.