Đường dẫn truy cập

ADB: Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương sẽ giảm bớt


Ngân hàng phát triển Á Châu nói rằng sự phát triển kinh tế ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ hơi sụt giảm trong năm 2008 vì sự dao động trong thị trường tài chính và giá dầu tăng. Trong một bài tường thuật, ngân hàng có trụ sở ở Manila này nói rằng khu vực này dự kiến sẽ vẫn duy trì được sức mạnh tài chính nhưng sẽ phải đối đầu với những rủi ro mới về tài chính. Phái viên Naomi Martig có bài tường thuật cho VOA gửi về từ Trung tâm tin tức Châu Á ở Hongkong.

Trong một bản phúc trình công bố hôm nay, Ngân hàng phát triển Á châu (gọi tắt là ADB), nói rằng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ giảm xuống tới mức 8% trong năm 2008, thấp hơn 0,5% so với mức của năm 2007.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất thế giới, ADB tiên đoán là nếu chính phủ duy trì các biện pháp làm giảm nhiệt nền kinh tế, thì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ còn 10.5% trong năm 2008, so với 11% trong năm nay.

Phát biểu tại Hongkong, ông Jong-Wha Lee, trưởng văn phòng Hội nhập Kinh tế khu vực của ADB, nói rằng khu vực này đang phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn so với chỉ vài tháng trước đây. Chẳng hạn như, sự xuống dốc mạnh của nền kinh tế Mỹ sẽ có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này.

Ông Lee nói: “Bởi vì sự sụt giảm mạnh về mức cầu của người tiêu dùng Mỹ sẽ tác động đến mức cầu về nhập khẩu của Mỹ và thông qua các liên hệ về thương mại, sẽ tác động đến việc xuất khẩu hàng hóa từ Châu Á sang Mỹ.”

Tuy nhiên, ông Lee cho rằng không có phần chắc là tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm mạnh. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm từ 2.9% hồi năm ngoái xuống con số dự kiến 2.2% trong năm nay. ADB tiên đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa trong năm 2008 vì thị trường địa ốc Mỹ và sự thay đổi có liên quan trong thị trường tài chính.

Những rủi ro tài chính khác ở khu vực Đông Á bao gồm việc thắt chặt hơn tín dụng toàn cầu, các biện pháp điều chỉnh đột ngột trong tỉ giá hối đoái, giá dầu và giá các mặt hàng tiếp tục tăng.

Lạm phát do giá các mặt hàng tiêu dùng, dầu và thực phẩm tăng cao hơn sẽ vẫn là mối quan tâm của nhiều nền kinh tế, nhất là tại Trung Quốc, nơi mà tỉ lệ lạm phát lên tới mức cao nhất trong 11 năm qua hồi tháng 11.

Ông Lee nói các nhà làm chính sách ở Bắc Kinh đang áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên ông nói ADB tin rằng Trung Quốc cần phải thả lỏng tỉ giá hối đoái để giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả.

Ông Lee nói: “Bởi vì tỉ giá hối đoái càng tăng nhiều chừng nào sẽ càng giúp giảm tỉ lệ lạm phát trong giá cả các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là ngũ cốc và dầu. Và việc tăng tính linh hoạt trong tỉ giá hối đoái sẽ giúp làm giảm lượng tiền luân chuyển trong thị trường tài chính nội địa.”

Nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã chỉ trích Trung Quốc vì đã giữ giá trị đồng Nguyên thấp một cách giả tạo.

ADB nói rằng tổng sản lượng nội địa của Hongkong sẽ tăng 5.4% trong năm 2008 sau khi đã tăng 6.1% trong năm nay. Tỉ lệ tăng trưởng những nơi khác như Nhật Bản và Nam Triều Tiên dự kiến cũng sẽ suy giảm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG