Đường dẫn truy cập

IMF hối thúc Việt Nam kìm hãm đà gia tăng tín dụng trong nước


Trong cuộc họp các nước cấp viện, Quĩ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) đã thúc giục Việt Nam kìm hãm đà gia tăng tín dụng trong nước và hãy áp dụng các chính sách tiền tệ thận trọng trong lúc lạm phát ở Việt Nam tăng cao hơn tỉ lệ tại các thị trường đang phát triển khác ở Á Châu.

Bản tin Reuters đưa đi trong ngày thứ năm từ Hà Nội cho biết Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng trong cuộc họp 2 ngày do Ngân Hàng Thế Giới chủ trì tại Hà Nội, xin cung ứng thêm ngân khoản tài trợ cho Việt Nam trong năm 2008 vì Việt Nam cần phải xây dựng thêm đường sá, bến cảng và nhà máy điện.

Trong năm nay, số tiền mà thế giới cam kết giúp Việt Nam là 4 tỉ 450 triệu dollars. Theo Reuters thì trong diễn văn đọc trước cuộc họp, tuy ông Shogo Ishii, phụ tá Giám Đốc IMF vùng Á Châu Thái Bình Dương đã xác nhận nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở của Việt Nam, nhưng ông cho là Việt Nam vẫn cần có một chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn để đáp ứng với đà phát triển kinh tế trong lúc áp lực lạm phát ngày càng tăng.

Tỉ lệ lạm phát đang gia tăng ở tốc độ nhanh nhứt trong vòng 3 năm qua vì giá lương thực, nhà cửa và nhiên liệu tăng cao. Theo các dự báo của chính phủ Việt Nam thì chỉ số giá tiêu thụ trong tháng 11 đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Reuters cho biết IMF đã khuyến khích chính phủ Việt Nam siết chặt các qui định tiền tệ và tăng cường theo dõi các hoạt động của ngân hàng.

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói rằng Việt Nam phải đương đầu với những khó khăn lớn lao trong nỗ lực đưa đất nước tiến lên vị thế một nước có lợi tức trung bình trong 5 năm tới.

Reuters cho hay một nhóm không chính thức gồm 13 nước và cơ quan cấp viện đã ra một tuyên bố, cảnh báo những nguy cơ do tình trạng chênh lệch về lợi tức ngày càng sâu rộng giữa các tầng lớp và các sắc dân gây ra.

Bên cạnh đó, còn những thách thức nghiêm trọng khác mà Việt Nam phải ứng phó, liên hệ tới sức chịu đựng của môi trường đối với đà phát triển, lẫn sự thay đổi khí hậu địa cầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG